WHO đánh giá nguy cơ bùng phát dịch tả trên toàn cầu rất cao

WHO cho biết thế giới đang đối mặt với sự bùng phát nghiêm trọng của đợt dịch tả thứ 7 kể từ giữa năm 2021 với nhiều đợt bùng phát xảy ra cùng lúc ở nhiều quốc gia và tỷ lệ tử vong cao đáng lo ngại.
WHO đánh giá nguy cơ bùng phát dịch tả trên toàn cầu rất cao ảnh 1Bệnh nhân nhiễm tả được điều trị tại trung tâm y tế ở thị trấn Darkush, tỉnh Idlib, Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

RIA Novosti dẫn báo cáo được công bố trên trang web của WHO cho hay: “Dựa trên tình hình hiện tại, bao gồm số vụ bùng phát dịch tả ngày càng tăng và mở rộng khu vực địa lý, cũng như thiếu vaccine và các nguồn lực khác, WHO đánh giá rủi ro dịch tả lây lan ở cấp độ toàn cầu là rất cao.”

Theo WHO, thế giới đang đối mặt với sự bùng phát nghiêm trọng của đợt dịch tả thứ 7 kể từ giữa năm 2021, thể hiện qua số ca mắc, quy mô dịch bệnh và nhiều đợt bùng phát xảy ra cùng lúc, sự lây lan sang các khu vực vốn không có bệnh tả trong nhiều thập kỷ và tỷ lệ tử vong cao đáng lo ngại.

Nhiều đợt dịch tả bùng phát cùng lúc tại các nước đang đối mặt với các cuộc khủng hoảng nhân đạo phức tạp với hệ thống y tế yếu và trầm trọng thêm do biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức đối với phản ứng phòng chống dịch và nguy cơ dịch tiếp tục lây lan sang các nước khác.

WHO nêu rõ kể từ khi tin tức mới nhất về tình hình bệnh tả toàn cầu được công bố ngày 11/2 đến nay, tình hình tiếp tục xấu đi, theo đó có thêm 4 nước ghi nhận bùng phát dịch. Tổng cộng hiện nay có 24 nước ghi nhận có các ca mắc bệnh.

Dữ liệu do WHO công bố cho thấy phần lớn các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch tả là ở châu Phi và Trung Đông.

Nguồn lực trên toàn cầu đang bị thiếu khiến cho khả năng phản ứng lại với các đợt dịch bệnh càng trở nên khó khăn hơn. Một số nguyên nhân chính dẫn đến thực tế trên là tình trạng thiếu vaccine uống phòng bệnh tả, nhân viên y tế công bị quá tải do cùng lúc phải đối phó với nhiều đợt dịch bệnh và các tình huống y tế khẩn cấp khác.

[Báo động dịch tả ở Malawi nghiêm trọng nhất khu vực châu Phi]

Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong liên quan đến các đợt dịch đặc biệt đáng lo ngại trong bối cảnh nhiều nước ghi nhận tỷ lệ tử vong cao hơn những năm trước.

Tỷ lệ tử vong trung bình do bệnh tả trên toàn cầu năm 2021 là 1,9%. Tỷ lệ này ở châu Phi là 2,9%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 1% - được xem là tỷ lệ chấp nhận được - và cao nhất trong hơn một thập niên qua. Số liệu sơ bộ cho thấy xu hướng tương tự vào các năm 2022 và 2023.

Giới chức Tanzania ngày 23/3 cho biết đã ghi nhận 60 ca bệnh tả ở 4 khu vực của nước này từ ngày 19/2 đến 15/3.

Quốc vụ khanh George Simbachawene phụ trách Chính sách, Quốc hội và Điều phối nêu rõ 60 ca bệnh tả được ghi nhận tại 4 vùng, trong đó nhiều nhất là vùng Katavi với 34 ca, tiếp theo là vùng Rukiwa với 18 ca.

WHO đánh giá nguy cơ bùng phát dịch tả trên toàn cầu rất cao ảnh 2Một em nhỏ mắc bệnh tả được điều trị tại cơ sở y tế ở thành phố Malakal, Nam Sudan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông cho biết không có ca tử vong nào được báo cáo trong thời gian kể trên, tuy nhiên cảnh báo Tanzania cần tiếp tục cảnh giác cao sau khi dịch bệnh này khiến nhiều người tử vong tại nước láng giềng Malawi.

Ông Simbachawene cho biết các báo cáo cũng cho thấy dịch tả bùng phát tại Mozambique, Zambia và Cộng hòa Dân chủ Congo.

Theo thống kê của Bộ Y tế Tanzania, đợt dịch tả lớn nhất tại nước này bùng phát năm 1997, với 40.249 người mắc bệnh và 2.231 người tử vong.

Các chuyên gia cho rằng vấn đề còn trở nên trầm trọng hơn khi dịch vụ y tế của nhiều quốc gia bị quá tải bởi các ca nhiễm COVID-19 và những nỗ lực chống lại sự bùng phát của dịch tả đã bị tạm dừng trong suốt đại dịch.

Trước đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cảnh báo tác động của biến đổi khí hậu đang khiến bệnh tả trở nên tồi tệ hơn.

Chia sẻ với Telegraph, ông Philippe Barboza, người đứng đầu đơn vị ứng phó khẩn cấp với bệnh tả của WHO, cho biết “nhiều quốc gia có những đợt bùng phát lớn xảy ra cùng lúc, chúng tôi chưa từng thấy điều này ít nhất là trong 20 năm qua.”

“Hầu hết các đợt bùng phát lớn mà chúng tôi đang nghiên cứu đều chịu tác động từ những sự kiện khí hậu lớn và bất thường,” ông Barboza nói thêm các quốc gia Nam Phi đặc biệt gặp rủi ro do họ phải đối mặt với mưa lớn và lốc xoáy năm thứ ba liên tiếp.

Dịch tả là một căn bệnh nghiêm trọng do ăn phải thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm. Bệnh có thể dẫn đến tử vong trong vòng vài giờ nếu không được điều trị. Số liệu từ WHO cho thấy, khoảng 143.000 người chết vì căn bệnh này trên toàn cầu mỗi năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục