WHO lo ngại tình trạng khuẩn lao kháng thuốc

Trong cuộc họp báo ngày 23/3 ở Trung Quốc, Chuyên gia chống lao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho rằng thế giới cần đầu tư tài chính nhiều hơn nữa và tăng cường các nghiên cứu khoa học để đối phó với những khuẩn lao kháng thuốc mới xuất hiện hết sức nguy hiểm.

Trong cuộc họp báo ngày 23/3 ở Trung Quốc, Chuyên gia chống lao của Tổ chức Y tế Thế giới  (WHO), cho rằng thế giới cần đầu tư tài chính nhiều hơn nữa và tăng cường các nghiên cứu khoa học để đối phó với những khuẩn lao kháng thuốc mới xuất hiện hết sức nguy hiểm.

Giám đốc Chương trình hợp tác phòng chống lao của WHO với Trung Quốc, Tiến sĩ Cornelia Hennig cho biết tình trạng kháng thuốc xuất hiện khi bệnh nhân không được điều trị đầy đủ hoặc chủ quan dừng điều trị khi cảm thấy sức khỏe khá hơn. Điều này tạo cơ hội cho khuẩn lao phát triển thành loại mới không bị tác động bởi các loại thuốc điều trị. WHO đang rất lo ngại về loại khuẩn lao kháng đa thuốc (MDR-TB) cũng như loại khuẩn lao kháng thuốc “siêu hạng” (XDR-TB).

Theo Tiến sĩ Hennig những phương pháp điều trị hiện nay không có hiệu quả đối với các loại khuẩn lao kháng thuốc trên, đặc biệt là loại XDR-TB. Theo quan chức này, XDR-TB là mối đe dọa thực sự cần được báo động.

Tuần tới Trung Quốc sẽ tổ chức hội thảo quốc tế ở thủ đô Bắc Kinh để thảo luận các biện pháp đối phó với tình trạng khuẩn lao kháng thuốc, với sự tham gia của các chuyên gia đến từ nhiều nước, trong đó có Ấn Độ và Nga. Trung Quốc cùng hai nước này là những khu vực có số bệnh nhân lao kháng thuốc cao nhất thế giới.

Uớc tính năm 2007 thế giới có 511.000 trường hợp MDR-TB, trong đó hơn 130.000 trường hợp tử vong, trong khi số ca XDR-TB là 50.000 trường hợp, trong đó 30.000 người tử vong.

Là căn bệnh “cổ” nhất trên trái đất, đến nay lao vẫn là thủ phạm cướp đi sinh mạng hơn 1,5 triệu người mỗi năm. Vì vậy, Ngày thế giới phòng chống lao 24/3 là dịp nhắc nhở để tăng nhận thức của cộng đồng thế giới về căn bệnh này.

Ở Trung Quốc, lao là bệnh gây tử vong nhiều nhất trong nhiều năm qua, cho đến năm 2008  khi HIV/AIDS trở thành “thủ phạm” hàng đầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục