WHO: Ngăn chặn sự kháng thuốc của trùng sốt rét

WHO và RBM vừa công bố kế hoạch toàn cầu nhằm ngăn chặn mối đe dọa tăng cao từ hiện tượng kháng thuốc trừ sâu của trùng sốt rét.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Đối tác là Cơ quan đẩy lùi dịch sốt rét (RBM) ngày 15/5 đã công bố kế hoạch toàn cầu nhằm ngăn chặn mối đe dọa tăng cao từ hiện tượng kháng thuốc trừ sâu của trùng sốt rét và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các các biện pháp sáng tạo và có tính chiến lược nhằm kiểm soát tốt loại côn trùng nguy hiểm trên.

Trong lời mở đầu cho Kế hoạch Toàn cầu của Cơ quan quản lý hiện tượng kháng thuốc (GPIRM) ở các côn trùng gây dịch sốt rét, Tổng Giám đốc WHO bà Margaret Chan cho biết, sự kháng thuốc của muỗi Anopheles đã được xác định tại 64 quốc gia với tình trạng truyền bệnh sốt rét đang diễn tiến, ảnh hưởng đến tất cả các khu vực của WHO.

Các quốc gia trong tiểu vùng hoang mạc Sahara ở châu Phi và Ấn Độ là nơi tập trung mối quan tâm lớn nhất bởi nơi đây có mức độ lây truyền bệnh sốt rét cao và có tình trạng côn trùng kháng thuốc phổ biến nhất qua các báo cáo.

Trong một số khu vực, thậm chí người ta đã phát hiện ra loại côn trùng có thể kháng lại cả bốn loại thuốc đặc trị vốn được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay.

Qua kế hoạch trên, bà Margaret Chan cũng kêu gọi các quốc gia đang bị ảnh hưởng cùng các bên liên quan phải sớm có hành động để bảo vệ và tăng cường hiệu quả các phương pháp ngăn chặn côn trùng hiện tại, chủ yếu thông qua việc phun hóa chất tồn lưu trong nhà và sử dụng các màn tẩm hóa chất diệt muỗi (insecticide mosquito nets), đồng thời đảm bảo rằng trong thời gian sớm nhất phải tìm ra được loại thuốc mới hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, sự hợp tác chặt chẽ giữa các chương trình kiểm soát bệnh sốt rét và khu vực nông nghiệp cũng sẽ rất quan trọng và các hoạt động truyền thông chiến lược kết hợp giáo dục cần được nhân rộng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề này.

Theo WHO, những thập kỷ qua đã chứng kiến những bước tiến vượt bậc trong việc kiểm soát bệnh sốt rét, giúp đẩy lùi tỷ lệ tử vong do bệnh này trên toàn cầu. Trong đó, đóng góp đáng kể nhất là nhờ sự can thiệp của phương pháp kiểm soát dịch, các xét nghiệm chẩn đoán tốt hơn và các loại thuốc điều trị sốt rét hiệu quả sẵn có.

Tuy nhiên, hiện 99 quốc gia vẫn còn tiếp diễn tình trạng lây truyền bệnh sốt rét cao, và trong năm 2010 căn bệnh nguy hiểm này đã cướp đi sinh mạng của khoảng 655.000 người, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi.

Cuộc chiến chống sốt rét và nhiệm vụ thực hiện kế hoạch toàn cầu GPIRM ngắn hạn là vấn đề cấp thiết trong vài năm tới, trong đó các quốc gia đang đối mặt với bệnh sốt rét cao rất cần được hỗ trợ.

Nếu những nỗ lực trên thành công, các nước có thể đạt được mục tiêu kiểm soát tình trạng côn trùng kháng thuốc một cách hiệu quả và cứu sống hàng triệu sinh mạng./.

Thạch Thảo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục