WHO sẽ cấp vắcxin cúm A/H1N1 cho Việt Nam

WHO có công văn đề nghị Bộ Y tế Việt Nam gửi kế hoạch sử dụng vắcxin phòng cúm A/H1N1 để quyết định lượng vắcxin cho Việt Nam.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 14/10, có công văn đề nghị Bộ Y tế Việt Nam gửi kế hoạch sử dụng vắcxin phòng cúm A/H1N1, trên cơ sở đó, WHO mới quyết định số lượng vắcxin dành cho Việt Nam.

Phó Giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương “bật mí”: trước đó, Việt Nam đã đề nghị WHO cấp 5 triệu liều vắcxin phòng cúm A/H1N1. Tuy nhiên, chưa biết số lượng vắcxin sẽ được cấp là bao nhiêu.

Mới đây, đại diện WHO cho biết nếu mọi việc suôn sẻ, dự kiến cuối tháng 10, Việt Nam sẽ có quyết định về số lượng vắcxin phòng cúm A/H1N1 này. Tuy nhiên, phải sang tháng 12, vắcxin mới có thể được phân phối tới các đối tượng nguy cơ, vì phải qua rất nhiều khâu như nhập khẩu, kiểm định và tập huấn phân phối, ông Hiển cho biết.

Liên quan đến vấn đề tiêm phòng, Phó Giáo sư Hiển khẳng định: đến thời điểm này, Bộ Y tế chưa cấp phép cho bất cứ đơn vị nào nhập vắcxin cúm A/H1N1 đại dịch. Hiện tại chỉ có vắcxin cúm mùa 2009, có tác dụng phòng cúm A/H1N1 cũ, A/H3N2, cúm B), vắcxin này không có tác dụng phòng virút cúm A/H1N1 đang lưu hành. Do đó, người dân nên thận trọng, điều tra kỹ nếu một cơ sở nào đó thông báo đã có vắcxin phòng cúm A/H1N1 đại dịch.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường, Bộ Y tế, Tiểu ban giám sát cúm A/H1N1 đại dịch, Cục Y tế dự phòng, vừa sửa đổi Hướng dẫn giám sát và phòng chống dịch cúm A/H1N1. Theo hướng dẫn mới, công tác giám sát và xét nghiệm thời gian tới sẽ tùy thuộc vào giai đoạn dịch.

Ở giai đoạn dịch lan rộng ra cộng đồng như hiện nay, sẽ tập trung vào việc duy trì việc lấy mẫu xét nghiệm tại 15 điểm giám sát cúm quốc gia, nhằm theo dõi sự tiến triển của dịch, phát hiện sự biến chủng của virus.

Sau đó, tiến hành xét nghiệm cho những đối tượng nguy cơ cao, bệnh nhân nhập viện do viêm phổi, nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng nhằm chẩn đoán xác định bệnh, theo dõi sự thay đổi độc lực và sự kháng thuốc điều trị cúm A/H1N1, tuy nhiên những bệnh nhân này phải được điều trị thuốc kháng virus càng sớm càng tốt, không chờ kết quả xét nghiệm.

Đồng thời, tiếp tục giám sát chặt chẽ các chùm ca bệnh tại cộng đồng, trường học, cơ quan, đơn vị để xác định dịch, khoanh vùng và xử lý ổ dịch kịp thời.

Ngoài ra, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ triển khai việc mua sắm các trang thiết bị, vật tư phòng chống dịch; đặc biệt, Bộ Y tế có quyết định giao cho các đơn vị sản xuất thuốc Tamiflu gồm cả thuốc cho trẻ em nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ thuốc, đáp ứng công tác điều trị cúm A/H1N1 trong mùa đông tới.

Học sinh nhiễm cúm A/H1N1 có dấu hiệu tăng

Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia cho biết số bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 vẫn tiếp tục tăng, mỗi ngày tại Viện tiếp nhận khoảng 600 ca đến khám và điều trị. Sau khi chuyển tuyến một số bệnh nhân nhẹ xuống các bệnh viện tuyến dưới, Viện điều trị 40 ca nặng/ngày.

Nhưng điều cần lưu ý, vừa qua có khá nhiều học sinh cơ sở và trẻ em dưới 6 tuổi đến khám và điều trị; diễn biến bệnh ở trẻ em rất nhanh và thường nặng hơn nhiều so với người lớn, ông Kính cho biết.

Theo ông Kính, Bộ Giáo dục & Đào tạo cần hỗ trợ, tăng cường công tác tuyên truyền trong hệ thống trường học, để các giáo viên có thể nắm bắt được kỹ các dấu hiệu cúm A/H1N1, cùng ngành y tế kịp thời phát hiện, điều trị các trường hợp nặng, nhằm tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra.

Phản ánh về số ca cúm A/H1N1 tăng nhanh tại cộng đồng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển cũng cho biết, kết quả theo dõi tại 15 điểm giám sát cúm quốc gia cho thấy 100% ca cúm đều dương tính với cúm A/H1N1. Điều đó cho thấy mức độ lây lan dịch cúm A/H1N1 ra cộng đồng là rất cao.

Do đó, Phó Giáo sư Hiển cho rằng cần thay đổi việc thông báo số ca dương tính hàng ngày như hiện nay. Rất có thể nhiều bệnh nhân cúm A/H1N1 dương tính nhưng không đến điều trị tại các cơ sở y tế; việc hạn chế xét nghiệm sinh học phân tử cũng không phản ánh hết số lượng các ca dương tính với cúm.

Thời gian tới, chỉ nên thông báo những ca viêm phổi nặng, phải nhập viện điều trị. Như vậy, mới phản ánh đúng tình hình thực tế. Hơn 10.120 trường hợp dương tính khẳng định qua xét nghiệm vừa qua hoàn toàn không phải là số mắc thực tế, có thể chỉ bằng 1/10 so với số mắc cúm A/H1N1 trong cộng đồng, ông Hiển cho biết.

Như vậy, tỷ lệ tử vong do cúm A/H1N1 đến nay vẫn ở mức thấp, chỉ khoảng 0,23% số ca mắc cúm H1N1. Nếu không thay đổi cách tuyên truyền, sẽ khiến người dân lo lắng cho rằng tỷ lệ tử vong do cúm A/H1N1 là quá cao, Phó Giáo sư Hiển nhấn mạnh./.

(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục