WHO: Việt Nam kiềm chế được tai nạn giao thông

Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Tây Thái Bình Dương cho rằng những cam kết nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và các tai nạn thương tích khác thể hiện sự coi trọng của Chính phủ Việt Nam đối với công tác này.

Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Tây Thái Bình Dương cho rằng những cam kết nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và các tai nạn thương tích khác thể hiện sự coi trọng của Chính phủ Việt Nam đối với công tác này.

“Vào cuối những năm 1990, tôi không thấy có nhiều người đi xe máy đội mũ bảo hiểm, tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đã tạo ra một chuyển biến tích cực vào tháng 12/2007,” Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương Shigeru Omi nói tại lễ khai mạc Hội nghị châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 2 về Phòng chống tai nạn thương tích đang diễn ra tại Hà Nội ngày 4/11.

Ông Omi trích số liệu ban đầu của các bệnh viện Việt Nam cho thấy vài tháng sau khi Chính phủ yêu cầu các chủ phương tiện môtô phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, tỷ lệ các ca chấn thương sọ não đã giảm 16%. Tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông tính đến tháng 8/2008 đã giảm thêm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông ở Việt Nam hiện chiếm hơn một nửa trong tổng số tử vong do tai nạn thương tích.

Bên cạnh nỗ lực giảm thiểu tử vong do tai nạn giao thông, cam kết chính trị cấp cao của Việt Nam đối với công tác phòng chống tai nạn thương tích còn thể hiện ở việc ban hành chính sách quốc gia về lĩnh vực này cho giai đoạn 2002-2010, ông Omi nhận xét.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu, kết quả từ việc thực hiện chính sách này đã thể hiện rõ ràng sau 6 năm thực hiện với tỷ suất tử vong do tai nạn thương tích ở Việt Nam giảm gần 50%, từ 88,4/100.000 dân năm 2001 xuống còn 46,6/100.000 dân năm 2007.

Ông Triệu cho biết Việt Nam đang từng bước xây dựng mô hình “cộng đồng an toàn” nhằm huy động nhân dân chủ động phòng chống tai nạn thương tích. Đến nay, đã có gần 200 xã trong 15 tỉnh/thành phố xây dựng mô hình này và có 8 xã đạt tiêu chí cộng đồng an toàn quốc tế.

Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, song công tác phòng chống tai nạn thương tích và xây dựng cộng đồng ở Việt Nam còn nhiều thách thức, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương Shigeru Omi nói và cho rằng trong số những thách thức đó là việc tăng tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm và loại trừ việc uống rượu bia khi lái xe.

Hội nghị châu Á-Thái Bình Dương về phòng chống tai nạn thương tích, diễn ra từ ngày 4-6/11 với  nhiều chuyên đề được trình bày, trong đó trọng tâm chính là an toàn giao thông và phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em.

Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 600 đại biểu đến từ 28 quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế và các bộ ngành của Việt Nam./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục