WHO xem xét cấp phép sử dụng khẩn cấp vắcxin của Pfizer/BioNTech

Pfizer và BioNTech dự kiến đưa ra thị trường 50 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 vào cuối năm 2020 và hơn 1 tỷ liều vào năm 2021, vắcxin có giá dự kiến là 20 USD/liều và nhiều nước đã đặt hàng.
Tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 cho tình nguyện viên tại Moskva, Nga ngày 10/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 cho tình nguyện viên tại Moskva, Nga ngày 10/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 2/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đã nhận được dữ liệu của Pfizer và BioNTech về vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

WHO đang đánh giá về khả năng cấp phép sử dụng khẩn cấp vắcxin này, tiêu chuẩn giúp các nước cho phép sử dụng vắcxin của Pfizer/BioNTech trên toàn quốc.

WHO cũng đang thảo luận với Cơ quan quản lý dược phẩm và các sản phẩm y tế của Anh (MHRA) về khả năng tiếp cận một số thông tin liên quan đến đánh giá của cơ quan này, quá đó có thể đẩy nhanh quá trình phê duyệt quyền sử dụng khẩn cấp của WHO.

Trước đó, Anh đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt lưu hành vắcxin ngừa COVID-19, khi MHRA cấp phép sử dụng vắcxin do hãng Pfizer của Mỹ và hãng BioNTech của Đức đồng phát triển.

Mặc dù Anh đã phê duyệt việc quyền sử dụng khẩn cấp vắcxin, song Liên minh châu Âu (EU) cho rằng quá trình này diễn ra quá nhanh.

Trước mối lo ngại này, Giám đốc MHRA June Raine khẳng định đã đánh giá vắcxin phòng COVID-19 của liên doanh Pfizer/BioNTech dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và theo luật pháp châu Âu.

Pfizer và BioNTech dự kiến sẽ đưa ra thị trường 50 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 vào cuối năm 2020 và tăng sản lượng lên hơn 1 tỷ liều vào năm 2021. Vắcxin này có giá dự kiến là 20 USD/liều và đã nhận được đơn đặt hàng từ nhiều quốc gia.

Theo kế hoạch, BioNTech sẽ gửi vắcxin ngừa COVID-19 trong các hộp kiểm soát nhiệt độ tới Anh bằng phà hoặc máy bay.

Giám đốc doanh nghiệp và thương mại của BioNTech Sean Marett nêu rõ những người dễ bị tổn thương nhất sẽ được tiếp cận vắcxin vào đầu tuần tới.

Vắcxin có thể được vận chuyển tới 6 giờ ở nhiệt độ từ 2-8 độ C sau khi được đưa khỏi khu vực bảo quản. Chất lượng vắcxin có thể bảo đảm tới 5 ngày khi cất trong tủ lạnh thường.

Pfizer và BioNTech vẫn đang tiếp tục đánh giá về độ ổn định của vắcxin trong quá trình vận chuyển, dự kiến sẽ thu thập thêm dữ liệu về bảo quản vắcxin ở âm 20 độ C và nhiệt độ lạnh thường từ 2-8 độ C.

[Interpol cảnh báo nguy cơ tội phạm ăn trộm, làm giả vắcxin COVID-19]

Cùng ngày, người phát ngôn của Bộ Y tế Đức Jens Spahn cho biết việc Anh cấp phép sử dụng vắcxin của Pfizer/BioNTech sẽ không ảnh hưởng đến số liều vắcxin phân phối tại Đức.

Quan chức này nhấn mạnh Đức sẽ không phê duyệt quyền sử dụng khẩn cấp, mà tiến hành quá trình cấp phép lâu hơn để tăng lòng tin đối với vắcxin.

Tại Ba Lan, Thủ tướng Mateusz Morawiecki thông báo nước này đã ký hợp đồng mua 45 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 của các công ty Pfizer, BionTech, AstraZeneca và Johnson & Johnson.

Ông nhấn mạnh tất cả vắcxin này sẽ được cấp miễn phí cho người dân và Ba Lan sẵn sàng ký hợp đồng đặt mua thêm.

Tại Kuwait, Thủ tướng Sabah al-Khalid al-Sabah nêu rõ toàn bộ người dân nước này sẽ được tiêm miễn phí vắcxin ngừa COVID-19 và họ có quyền lựa chọn tham gia tiêm chủng hay không.

Cũng trong ngày 2/12, WHO đã ban hành những hướng dẫn mới, trong đó siết chặt hơn việc đeo khẩu trang tại các vùng lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Cụ thể, người dân sinh sống tại vùng dịch nên luôn đeo khẩu trang trong cửa hàng, nơi làm việc và trường học không có đủ thông thoáng.

Tại những địa điểm trong nhà, nếu không thể duy trì khoảng cách với nhau ít nhất là 1 mét, mọi người, kể cả trẻ em và học sinh từ 12 tuổi trở nên, cũng nên đeo khẩu trang thậm chí nếu không gian những nơi này thông thoáng.

Người dân cũng nên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài nếu không thể duy trì khoảng cách với nhau.

WHO khuyên người dân nếu ở các địa điểm trong nhà không có đủ thoáng khí, cũng nên đeo khẩu trang thường (không phải khẩu trang y tế) bất kể có duy trì được khoảng cách ít nhất là 1 mét hay không.

WHO cũng khuyến nghị đeo khẩu trang các loại tại toàn bộ các cơ sở y tế kể cả những khu vực chung như quán cafe và phòng làm việc cho nhân viên.

Còn đối với nhân viên y tế, WHO cho rằng lực lượng này nên đeo khẩu trang N95 khi chăm sóc các bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, WHO cho rằng biện pháp bảo vệ tốt nhất đã được chứng minh là nhân viên y tế phải đeo khẩu trang N95 hoặc tương đương, cùng kính bảo hộ hoặc tấm che mặt, áo choàng và găng tay.

Theo người phát ngôn của WHO, Margaret Harris, những khuyến nghị này nằm trong số những thay đổi lớn nhất trong hướng dẫn của WHO về đeo khẩu trang và cập nhất khuyến cáo hồi tháng 6/2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục