WTO cảnh báo xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng

Tổng Giám đốc WTO, ông Pascal Lamy đã cảnh báo xu hướng bảo hộ mậu dịch đang tăng lên trong thương mại quốc tế từ đầu năm nay.
Ngày 2/7, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ông Pascal Lamy đã cảnh báo xu hướng bảo hộ mậu dịch đang tăng lên trong thương mại quốc tế từ đầu năm nay.

Đặc biệt hiện tượng chính trị hóa thương mại xuất hiện ở nhiều nước với lời kêu gọi tăng cường bảo hộ mậu dịch đã gây căng thẳng trong quan hệ thương mại quốc tế.

Nhiều nước đã nâng hàng rào thuế nhập khẩu để bảo vệ nền công nghiệp trong nước khỏi sự cạnh tranh quốc tế mà họ cho là không công bằng, hoặc áp dụng các biện pháp thủ tục hành chính hoặc hải quan để làm chậm trễ thông quan hàng hóa của các nước khác qua biên giới.

Tổng Giám đốc WTO cho biết từ tháng 10/2011, 182 biện pháp mới hạn chế thương mại đã được ghi nhận trong thương mại quốc tế, tác động đến 0,9% tổng xuất khẩu toàn cầu. Các biện pháp mới này chủ yếu là các hành động điều chỉnh thương mại, tăng thuế quan, áp dụng giấy phép nhập khẩu và kiểm soát hải quan trong khi ít áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu...

Ông nêu rõ rằng tác động của các biện pháp hạn chế thương mại mới trong bảy tháng qua cùng với các biện pháp đã áp dụng trước đó đã trở thành vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh tác động bất lợi của các biện pháp bảo hộ mậu dịch hoặc làm biến dạng thương mại đã được áp dụng trước khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn còn hiệu lực.

Các biện pháp hạn chế thương mại được các nước G20 gồm các nền kinh tế phát triển và đang phát triển lớn nhất thế giới áp dụng từ tháng 10/2008 đã tác động đến 3% mua bán hàng hóa toàn cầu và 4% buôn bán của G20, tương đương với 450 tỷ USD, bằng cả giá trị thương mại hàng hóa hàng năm của châu Phi. Cho đến nay, chỉ mới có 18% các hạn chế thương mại của G20 được loại bỏ.

Tổng Giám đốc WTO nhấn mạnh trong bối cảnh tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn lan rộng, nền kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp và thất nghiệp vẫn cao. Thương mại toàn cầu đã giảm mạnh trong năm 2011, trong đó mua bán hàng hóa chỉ tăng 0,5%, giảm mạnh so với mức tăng 13,8% năm 2010. Trong khi nền kinh tế toàn cầu mất động lực, tăng trưởng thương mại toàn cầu tiếp tục giảm xuống còn 3,7% trong năm 2012, dưới mức tăng trung bình hàng năm của 20 năm qua.

Với ngân sách bị siết chặt, thất nghiệp cao, tăng trưởng kinh tế trì trệ, đặc biệt ở các nước phát triển, và triển vọng mở cửa thị trường đa phương trong thời gian sắp tới không sáng sủa, sức ép bảo hộ mậu dịch trong thương mại quốc tế đang ngày càng lớn.

Trong bối cảnh này, Tổng Giám đốc WTO kêu gọi các chính phủ tăng cường các nỗ lực chống sức ép bảo hộ mậu dịch và thúc đẩy các biện pháp tích cực để giữ cho các thị trường luôn mở và tăng cường mở cửa thương mại. Các chính phủ đang bị sức ép kinh tế lớn trong nước cần chống lại các xu hướng dân tộc cực đoan và thương mại hướng nội. Một chính sách kiểu như vậy không giải quyết được vấn đề kinh tế trong nước mà còn có nguy cơ bị các đối tác thương mại trả đũa./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục