WTO: Cuộc họp tới có thể đạt thỏa thuận lịch sử về trợ cấp nghề cá

Nhậm chức hồi tháng Ba, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala đã đặt việc đạt được một thỏa thuận về trợ cấp nghề cá trước cuối năm nay là một ưu tiên của mình.
WTO: Cuộc họp tới có thể đạt thỏa thuận lịch sử về trợ cấp nghề cá ảnh 1Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ chủ trì một cuộc họp cấp bộ trưởng trong tuần này nhằm tiếp tục các cuộc đàm phán để tiến tới việc cấm các khoản trợ cấp lâu nay đã “tiếp tay” cho tình trạng đánh bắt quá mức, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề còn vướng mắc.

Trước cuộc họp dự kiến diễn ra trong ngày 15/7, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala đã bày tỏ hy vọng các bộ trưởng thương mại từ 164 nước thành viên của WTO có thể đi đến một thỏa thuận “lịch sử” trong vấn đề này.

Nhậm chức hồi tháng Ba, bà Okonjo-Iweala đã đặt việc đạt được một thỏa thuận về trợ cấp nghề cá trước cuối năm nay là một ưu tiên của mình.

[Tăng nuôi trồng, giảm thất thoát để nâng cao giá trị thủy sản]

Tại cuộc họp kín sắp tới, các bộ trưởng thương mại sẽ thảo luận một bản dự thảo đã được Đại sứ Colombia tại WTO Santiago Wills trình bày hồi tháng Năm.

Bà Okonjo-Iweala cho biết: “Sau 20 năm đàm phán tại WTO và các cuộc tranh luận nước rút trong năm nay, chúng ta đang có một bản thảo của một thỏa thuận sẽ hiện thực hóa tham vọng chấm dứt trợ cấp nghề cá.”

Đạt được bất cứ một thỏa thuận nào tại WTO cũng là việc không dễ dàng, vì tất cả các quyết định đều phải nhận được sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên.

Các nước đều nhất trí rằng cần phải hành động để bảo vệ một nguồn tài nguyên quan trọng mà hàng triệu người đang phụ thuộc vào đó để duy trì sinh kế của mình.

Theo WTO, trợ cấp nghề cá trên toàn cầu ước tính ở mức từ 14-54 tỷ USD/năm.

Tuy nhiên, 20 năm đàm phán vẫn chưa thể đi đến một thỏa thuận, khi các nước vẫn còn bất đồng về nhiều vấn đề, và các tổ chức phi chính phủ cảnh báo không nên vội vàng bằng mọi giá phải đi đến một thỏa thuận.

Một trong những vấn đề chính còn vướng mắc là yêu cầu của Liên hợp quốc rằng các nước đang phát triển và các nước nghèo nhất phải nhận được sự đối xử đặc biệt và khác biệt (SDT).

Dù các nước nhất trí rằng các quốc gia nghèo nhất nên nhận được SDT, nhưng yêu cầu được miễn lệnh cấm trợ cấp từ các nước đang phát triển “tự phong” lại khó chấp nhận.

Nhiều nước đánh bắt hải sản lớn vẫn đang được xếp vào nhóm các nước đang phát triển của WTO, trong đó có Trung Quốc, quốc gia hiện có một trong những đội tàu đánh bắt hải sản lớn nhất trên thế giới.

Bên cạnh đó, cũng có những bất đồng liên quan đến phạm vi của thỏa thuận. Nhiều nước đang phát triển kêu gọi đưa vào thỏa thuận trên cả các khoản trợ cấp nhiên liệu, trong đó có hình thức trợ cấp thông qua các chính sách giảm thuế như các chương trình vẫn đang được áp dụng rộng rãi tại Liên minh châu Âu (EU), điều mà Brussels phản đối.

Dự thảo thỏa thuận cũng có thể không làm hài lòng các nước như Mỹ, khi lời kêu gọi của Washington nhằm đưa vào thỏa thuận một lệnh cấm lao động cưỡng chế trên các tàu đánh cá đã không nhận được sự chú ý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục