WWF cảnh báo việc lãng phí sinh vật biển

Quỹ Động vật hoang dã (WWF) cho biết mỗi năm tại vùng Tam giác San hô (Coral Triangle) có hàng triệu kilogam sinh vật biển bị đánh bắt nhưng không được đưa vào sử dụng, trong đó có các loài rùa biển và cá mập đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Quỹ Động vật hoang dã (WWF) cho biết mỗi năm tại vùng Tam giác San hô (Coral Triangle) có hàng triệu kilogam sinh vật biển bị đánh bắt nhưng không được đưa vào sử dụng, trong đó có các loài rùa biển và cá mập đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Tam giác San hô trải rộng từ vùng biển Indonesia, Malaysia, Philippines, Papua New Guinea tới quần đảo Solomon. Đây được coi là một trong ba khu vực có độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới, sau rừng Amazon và vùng lòng chảo Congo. 

Tam giác San hô cũng là khu vực có nhiều loài sinh vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao, chủ yếu thuộc họ cá mập và rùa biển, trong đó có 7 loài rùa nổi tiếng thế giới. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là ở khu vực này đang diễn ra tình trạng đánh bắt cá rất bừa bãi.

WWF cũng cảnh báo tình trạng mỗi năm có khoảng 38 triệu tấn cá đánh bắt bị vứt bỏ, chiếm 40% tổng lượng cá đánh bắt trên thế giới, gây ra sự lãng phí lớn tài nguyên biển.
 
Để ngăn chặn tình trạng trên, nhà nghiên cứu Keith Symington thuộc WWF, chuyên theo dõi đánh bắt cá tại khu vực Tam giác San hô, đề nghị sử dụng rộng rãi lưỡi câu cá ngừ dạng chùm trong đánh bắt cá, thay thế lưỡi câu hình chữ J hiện nay. 

Theo ông, sử dụng lưỡi câu cá ngừ sẽ không làm giảm năng suất đánh bắt cá trong khi có thể tránh tình trạng rùa biển và những sinh vật khác bị đánh bắt cùng với cá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục