"Xã hội hóa đã hạn chế sự xuống cấp của di sản"

Theo Phó Cục trưởng Cục Di sản, sự tham gia của cộng đồng, các doanh nghiệp, nhiều lực lượng nên đã phát huy giá trị di sản văn hóa.
Nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), nhiều địa phương sôi nổi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa đặc sắc, trong đó điểm nhấn chính là Tuần văn hóa du lịch di sản Bắc Trung bộ tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó Cục trưởng Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trong cuộc trao đổi với phóng viên nhấn mạnh bảo vệ di sản là một vấn đề khó khăn phức tạp, đòi hỏi phải làm thường xuyên lâu dài.

Điểm nhấn khơi dậy phong trào bảo vệ di sản

- Thưa ông, Tuần Văn hóa du lịch di sản Bắc Trung bộ chuẩn bị được tổ chức tại Hà Nội. Theo ông, những hoạt động này có tác động thế nào với công chúng?

Ông Nguyễn Hữu Toàn: Tuần lễ du lịch này đã đi vào nề nếp của Ngày di sản Việt Nam. Tổ chức Ngày Di sản Việt Nam tại Hà Nội là điểm nhấn, còn trên toàn quốc, năm nào cũng vậy, trước dịp này đều chỉ đạo các địa phương, đặc biệt là các bảo tàng và di tích tổ chức hoạt động nhằm thu hút công chúng trong xã hội hướng tới bảo vệ di sản văn hóa. Do đó, Ngày di sản văn hóa ngày càng thu hút được đông đảo quần chúng tham gia.

Chúng tôi vẫn luôn xem Ngày Di sản là ngày hội lớn của những ai tham gia vào công tác bảo vệ di sản.

- Hiện nay chúng ta đang còn đề nghị xét duyệt những di sản mang tầm quốc tế. Nhưng có quan điểm cho rằng, việc phát huy các di sản này chưa thực sự hiệu quả, vậy ông có ý kiến như thế nào?

Ông Nguyễn Hữu Toàn: Quan điểm trên có lẽ chưa thực sự chính xác. Trên thực tiễn thì bảo vệ di sản nói chung là một vấn đề khó khăn phức tạp, đòi hỏi phải làm thường xuyên lâu dài.

Đối với các di sản được vinh danh thế giới đòi hỏi lại càng cao và khó khăn hơn. Nhưng rõ ràng thời gian qua chúng ta cũng đã làm được nhiều cho việc bảo vệ di sản thế giới bằng việc phát huy giá trị của chính di sản đó để đóng góp cho kinh tế-xã hội ở địa phương.

Chúng ta có thể thấy những di sản như Vịnh Hạ Long, Cố đô Huế, Hội An… đã được cộng đồng tham gia bảo vệ ngày càng tích cực. Và chính trong quá trình bảo vệ và phát huy di sản thì đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên.

Chúng ta có thể coi sự kiện Vịnh Hạ Long vừa được bầu chọn là một trong bảy kỳ quan thế giới mới là sự ghi nhận trong việc bảo vệ di tích của chúng ta.

- Đúng dịp này, hát Xoan đang được xem xét công nhận di sản văn hóa phi vật thể. Ông có thể cho biết chúng ta đang làm những gì để loại hình nghệ thuật này được phát huy?

Ông Nguyễn Hữu Toàn: Chúng tôi cũng đang hồi hộp chờ hát Xoan được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể ở tầm thế giới. Theo thông tin chúng tôi được biết, khả năng được vinh danh trong dịp tới là rất cao. Và cũng như các di sản khác, khi được vinh danh thì chúng ta sẽ công bố và triển khai chương trình hành động để bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Chúng tôi sẽ làm hết sức để phát huy và bảo vệ tốt.

Nhiệt tình không đúng cách làm giảm giá trị di sản văn hóa

- Thưa ông, công tác bảo tồn các di sản trong thời gian qua đã được thực hiện cụ thể như thế nào?

Ông Nguyễn Hữu Toàn: Có thể nói rằng, công tác này vẫn còn chưa xứng tầm và chắc chắn còn phải phấn đấu rất nhiều. Di sản của chúng ta lớn, nhưng công tác bảo vệ vẫn chưa đáp ứng nổi. Nhiều di sản văn hóa Việt Nam đã bị xuống cấp do trải qua mưa nắng, chiến tranh và rất nhiều sự tác động khác.

Thời gian qua, Nhà nước, mà trực tiếp là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã có nhiều chủ trương và chính sách để chống xuống cấp. Hàng ngàn di tích đã được đầu tư kinh phí. Quan trọng hơn là chúng ta đã huy động được sự tham gia của cộng đồng xã hội, nhân dân các địa phương, các doanh nghiệp, nhiều lực lượng trong và ngoài nước bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Công tác bảo vệ di sản nhờ được xã hội hóa nên đã hạn chế nhiều sự xuống cấp.

-  Trong thời gian tới chúng ta còn phải đối mặt với những khó khăn gì trong công tác bảo tồn di sản?

Ông Nguyễn Hữu Toàn: Có nhiều thuận lợi, nhưng khó khăn cũng không ít. Khó khăn vì di sản luôn luôn đứng trước sự tấn công của nhiều yếu tố, kể cả thiên nhiên lẫn con người, vì thế chúng ta phải đối mặt và tập trung giải quyết những khó khăn ấy.

Khó khăn đầu tiên là cần nguồn lực kinh phí rất lớn. Thứ hai, muốn bảo vệ và phát huy di sản, chống xuống cấp di sản phải có trình độ khoa học công nghệ rất cao, rất phức tạp, thậm chí còn gắn liền với yếu tố nhạy cảm.

Vượt qua được những chuyện đó cũng cần thời gian, cần điều kiện vật chất, năng lực chuyên môn. Không phải một sớm một chiều là thực hiện được, chúng ta huy động nhiều thành phần xã hội cùng chung tay tham gia bảo vệ di sản, tuy nhiên vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân còn hạn chế về nhận thức đối với di sản. Do đó, mục đích là bảo vệ di sản nhưng kết quả lại làm sai lệch, có thể vô tình làm suy giảm giá trị di sản.

Để du lịch và di sản phát triển hài hòa

- Năm 2012 là năm Du lịch Di sản. Du lịch và di sản đồng hành cùng nhau có điều gì tốt và không tốt, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Toàn: Khai thác du lịch dựa trên di sản là cách làm tốt, vừa cải thiện kinh tế, vừa bảo vệ và phát huy được di sản. Tuy nhiên, đấy là một thách thức, khi du khách tới các di sản đông hơn thì chính hoạt động sinh hoạt của du khách có những tác động tới di sản, làm cho môi trường của khu di tích bị xâm phạm; các hoạt động dịch vụ tại khu vực này vì mục đích thu nhập đơn thuần đã ảnh hưởng di sản, đặc biệt nhưng di tích gắn với yếu tố tâm linh, văn hóa và linh thiêng.

- Vậy chúng ta đã có sự chuẩn bị như thế nào để có thể phát triển du lịch và bảo vệ di sản một cách hài hòa?

Ông Nguyễn Hữu Toàn: Chính việc sáp nhập để hình thành Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã là một nhận thức chuẩn bị về mặt tổ chức tốt nhất cho việc gắn kết giữa bảo vệ di sản và phát triển du lịch.

Chúng ta đã có một chương trình hành động thống nhất từ khi xác định kế hoạch, chương trình, mục tiêu và những biện pháp để chúng ta bảo vệ phát triển.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, thì chúng tôi thường xuyên công tác với các tổ chức, cơ quan phát triển du lịch, để có những chương trình tuyên truyền, giáo dục du khách đến với các di sản đồng thời thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương, bảo vệ di sản tốt nhất trong quá trình khai thác phục vụ du lịch.

Hiện nay có thể thấy rõ sự chuyển biến tích cực trong sự gắn kết giữa di sản và du lịch.

- Việc quảng bá du lịch thời gian qua được chúng ta chú trọng thế nào?

Ông Nguyễn Hữu Toàn: Việc quảng bá di sản tới đông đảo công chúng trong nước và quốc tế trong những năm qua chúng ta có nhiều biện pháp như xây dựng với các đơn vị tuyên truyền và giáo dục về di sản và du lịch; tổ chức xuất bản những ấn phẩm ở những hình thức kích cỡ khác nhau, để phù hợp với đối tượng tuyên truyền.

Đặc biệt, hệ thống bảo tàng, di tích ở các tỉnh thành phố đang ngày càng được củng cố, lực lượng ngày càng được đào tạo, bồi dưỡng trình độ, chuyên môn cao hơn để trực tiếp tuyên truyền.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với nhiều cơ quan chức năng, đặc biệt cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ Việt Nam, Hội khuyến học xây dựng mô hình “Trường học thân thiện,” trong đó có nội dung thu hút tuổi trẻ học đường tham gia việc bảo vệ di sản, di tích. Và đây lực lượng đông đảo đang đóng góp một cách rất hiệu quả cho di sản.

- Xin trân trọng cảm ơn ông! 

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục