Xác định đúng đối tượng nhằm kích cầu du lịch

Dự thảo chương trình kích cầu du lịch năm 2010 đang được Tổng cục Du lịch soạn thảo, hứa hẹn có rất nhiều điểm mới hiệu quả hơn.
Bản dự thảo chương trình kích cầu du lịch năm 2010 đang được Tổng cục Du lịch gấp rút soạn thảo để sớm công bố trong thời gian tới hứa hẹn có rất nhiều điểm mới hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, theo ý kiến phản biện của các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành du lịch, để chương trình thực sự đạt hiệu quả, việc quan trọng nhất là phải xác định đúng đối tượng kích cầu là ai?

Chọn khách nội hay khách quốc tế?

Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Hanoitourist dẫn chứng trong năm 2009, chương trình kích cầu du lịch mang tên “Ấn tượng Việt Nam” triển khai rầm rộ với mục tiêu ban đầu hướng vào khách quốc tế.

Tuy nhiên, do triển khai chậm và không có kinh phí dành cho xúc tiến quảng bá nên lượng khách quốc tế đến Việt Nam theo chương trình này rất ít. Thành công lớn của “Ấn tượng Việt Nam” lại ở mảng nội địa với lượng khách tăng tới 17% và công đầu thuộc về Vietnam Airlines.

Đồng quan điểm này, ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Thế hệ trẻ, Phó trưởng nhóm kích cầu du lịch Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, không có Vietnam Airlines giảm giá vé một số tuyến bay nội địa dành cho các công ty du lịch thì khó có thể giảm giá tour.

Về bản chất, công ty lữ hành là đơn vị chắp nối các khâu dịch vụ để tạo thành sản phẩm du lịch. Do đó, với các tour nội địa Bắc-Nam, giá vé máy bay chiếm từ 40-50% giá tour nên nhờ có chương trình giảm giá của Vietnam Airlines nên giá tour nội địa mới có điều kiện giảm 30-40%.

Với mức giảm này, các tour nội địa Bắc-Nam có điều kiện cạnh tranh với các tour ngoại. Trên thực tế, năm 2009, du khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài tăng mạnh do các nước trong khu vực cũng thực hiện xúc tiến quảng bá vào Việt Nam rất hiệu quả.

Chính vì vậy, nếu không thực hiện kích cầu du lịch ngay từ bây giờ, du lịch Việt Nam khó cạnh tranh được với giá tour của Thái Lan, Singapore, Malaysia.

Ông Trần Thế Dũng cũng kiến nghị, trong chương trình kích cầu du lịch năm 2010, Tổng cục Du lịch cần mời ngành đường sắt tham gia trong nhóm kích cầu để giảm giá vé cho khách đoàn. Các tour từ Nam ra Bắc hầu hết đều chọn điểm đến là Sa Pa, tuy nhiên cứ vào mùa cao điểm khách nội địa (dịp hè) thì ngành đường sắt lại tăng giá vé nên rất khó giảm giá tour.

Còn ông Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch cho rằng cần xác định rõ đối tượng kích cầu để từ đó có những biện pháp hợp lý. Tiêu đề dự thảo nhấn mạnh tới khách du lịch nội địa nhưng các biện pháp lại hướng tới khách quốc tế là điều chưa ổn.

Bên cạnh đó, cần phải làm rõ vai trò nhà nước trong việc hỗ trợ giảm giá này bởi chỉ kêu gọi doanh nghiệp giảm giá “suông” rất khó.

Nhà nước cần có hỗ trợ giảm giá, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia kích cầu du lịch, nhất là khi giá xăng, nước, điện đều tăng từ tháng 3 này, trong khi đây là giá đầu vào của nhiều hoạt động dịch vụ.

Triển khai hai chiến dịch quảng bá lớn

Chương trình đầu tiên là Chương trình kích cầu năm 2010 “Việt Nam-điểm đến của bạn” nhắm tới loại hình du lịch mua sắm với chiến dịch bán hàng giảm giá vào mùa thấp điểm sẽ được tổ chức tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Dự kiến chương trình này thực hiện từ tháng 8-9 hoặc từ 9-10. Khách du lịch sẽ được hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) khi mua hàng, được phát thẻ ưu đãi giảm giá hoặc vé mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng, khách sạn, điểm du lịch. Khách chỉ cần xuất trình hộ chiếu hoặc chứng minh thư nhân dân sẽ nhận được nhận thẻ ưu đãi này. Mức giảm giá dự kiến từ 10-50% trong hai tháng khuyến mại.

Đại diện các doanh nghiệp kiến nghị nên chọn từ tháng 8-9 vì đây là thời kỳ thấp điểm khách. Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch và Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương phải xây dựng được cơ chế phối hợp giữa các điểm bán hàng, đơn vị lữ hành, hàng không mới có thể triển khai chương trình này.

Đại diện Công ty du lịch Saigontourist cũng lưu ý, trên thực tế, Thành phố Hồ Chí Minh đã từng tổ chức thực hiện phát thẻ ưu đãi mua sắm cho khách có thể sử dụng ngay, nhưng quan trọng không phải chỉ giảm giá mà nguồn hàng có đáp ứng được không, có đa dạng không và giá có ổn định trong mùa cao điểm không?

Một điểm mới nữa của Chương trình là hoạt động quảng bá sẽ tập trung xúc tiến tại chỗ và vận động Việt kiều quảng bá du lịch Việt Nam. Ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành cho biết theo thống kê, 80% khách đến Việt Nam lấy thông tin từ những người đã đi du lịch Việt Nam nên đây sẽ là đối tượng ưu tiên tuyên truyền bằng hình thức trao quà tặng, mọi người niềm nở…

Chính vì vậy, chương trình xúc tiến tại chỗ này sẽ được phát động thành phong trào “Nở nụ cười với khách du lịch” và từng địa phương thiết kế một mặt hàng lưu niệm mang tính đặc trưng để giới thiệu với khách.

Còn Chiến dịch quảng bá lớn thứ hai sẽ hướng tới vận động hơn 3 triệu Việt kiều quảng bá về du lịch Việt Nam.

Ông Vũ Thế Bình cho biết khi làm việc với Hội Việt kiều tại Pháp, ý tưởng mỗi Việt kiều vận động 10 người đi du lịch Việt Nam là yêu nước là hoàn toàn thực hiện được.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Trưởng ban Tiếp thị Hành khách của Vietnam Airlines khẳng định hàng không và du lịch là người bạn đồng hành bởi thực tế khoảng 70% khách quốc tế đến Việt Nam qua đường hàng không.

Quan điểm của Vietnam Airlines là “nâng cao chất lượng dịch vụ vào mùa cao điểm và tăng cường khuyến mại vào mùa thấp điểm”. Tuy vậy, ông Hải cũng đề nghị ngành du lịch sớm có những thông tin chương trình cụ thể du lịch để ngành hàng không có thể quảng bá tới các thị trường du lịch nước ngoài.

Đơn cử như chương trình du lịch 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, đến giờ Vietnam Airlines cũng chưa có tour, tuyến du lịch cụ thể nên khi nhiều văn phòng đại diện của Vietnam Airlines hỏi về chương trình này, nên cũng không biết trả lời như thế nào để cung cấp cho du khách./.

Xuân Cường (Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục