Xác định năm dự án ưu tiên đầu tư cho TP.HCM

Năm dự án ưu tiên đầu tư và 11 hướng nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị ở Thành phố Hồ Chí Minh đã được đề xuất.
Năm dự án ưu tiên đầu tư và 11 hướng nghiên cứu ưu tiên nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được nhóm nghiên cứu Dự án Thành phố Hồ Chí Minh thế kỷ 21 đề xuất tại hội thảo tổng kết dự án này, tổ chức ngày 4/3.

Dự án do Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và Tập đoàn Siemens phối hợp thực hiện.

Năm dự án ưu tiên trong các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng gồm: xây dựng tuyến metro số 1, 2, 5; thực hiện quản lý nhu cầu giao thông bằng phí tắc nghẽn; thành lập trung tâm điều khiển giao thông mới; chương trình chống ngập; cấp nước, nhất là giảm thất thoát nước.

Bên cạnh việc đề xuất các dự án ưu tiên, Dự án Thành phố Hồ Chí Minh thế kỷ 21 cũng đã đưa ra 11 hướng nghiên cứu ưu tiên như tổ chức cấu trúc lại hệ thống giao thông, giảm nhẹ rủi ro do chậm trễ của tuyến metro, nghiên cứu cải thiện hệ thống xe buýt, nghiên cứu giao thông không động cơ, quản lý nhu cầu giao thông, quy hoạch không gian ngầm đô thị, nghiên cứu để xác định chiến lược cho Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một thành phố khoa học, xây dựng thương hiệu cho thành phố...

Theo nhóm thực hiện dự án, năm dự án ưu tiên đầu tư đã được xác định dựa trên cơ sở phân tích các điểm mạnh, điểm yếu hiện tại, cơ hội và thách thức trong tương lai của thành phố đồng thời dựa trên các quyết định đầu tư đã được Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt.

Ông Gregor Wessels, Giám đốc dự án cho biết việc chủ động xác định các biện pháp ưu tiên và chuẩn bị kế hoạch hành động tức thời cho các dự án được lựa chọn, đặc biệt là các dự án phát triển giao thông công cộng đóng một vai trò quan trọng trong phát triển của một thành phố lớn.

Dự báo số tiền phải chi hàng năm để phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thành một thành phố đẳng cấp thế giới, đô thị theo hướng giao thông công cộng được xác định khoảng 8,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sau gần 2 năm thực hiện, đến nay Dự án Thành phố Hồ Chí Minh thế kỷ 21 đã cơ bản hoàn thành, đưa ra những kiến nghị, đề xuất để thu thập ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước.

Kết quả của dự án này là những dữ liệu vô cùng quý giá để phục vụ trong công tác quy hoạch phát triển chiến lược và lâu dài của thành phố./.

Hoàng Anh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục