Xác định rõ trách nhiệm trong lĩnh vực thi hành án

Ngày 15/10, tại TP.HCM, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị về quản lý công tác thi hành án các tỉnh, thành phố phía Nam.
Ngày 15/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã chủ trì Hội nghị về quản lý công tác thi hành án các tỉnh, thành phố phía Nam nhằm góp ý cho Đề án “Quản lý công tác thi hành án.”

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá công tác thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và thi hành án hành chính trong 20 năm qua (từ 1993 đến nay) đã góp phần bảo đảm quyền, lợi ích của công dân, bảo đảm quyền con người, lợi ích của Nhà nước và xã hội, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa và trật tự pháp luật.

Tuy nhiên, công tác thi hành án và quản lý công tác thi hành án vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc, hiệu quả thi hành án chưa cao, nhân dân còn chưa thật sự tin tưởng vào việc thi hành án. Việc nghiên cứu xây dựng Đề án “Quản lý công tác thi hành án” là một nhiệm vụ rất khó khăn và phức tạp, trong quá trình thực hiện có nhiều vướng mắc, ý kiến rất khác nhau.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc xây dựng đề án là cần thiết để trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định về phương hướng đổi mới công tác thi hành án và quản lý thi hành án theo tinh thần cải cách tư pháp nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Chỉ đạo thực hiện công tác quản lý thi hành án và hoạt động thi hành án thời gian tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ trước hết cần đổi mới công tác thi hành án, phải xác định rõ vai trò trách nhiệm của Tòa án nhân dân, cơ quan thực hiện quyền tư pháp trong lĩnh vực thi hành án; giao trách nhiệm cho Tòa án xét xử sơ thẩm và ra quyết định thi hành bản án, chuyển giao cho cơ quan thi hành án có thẩm quyền thực hiện; tăng cường vai trò trách nhiệm của Tòa án trong việc theo dõi, kiểm soát, thống kê giải thích, đính chính các bản án đã ra quyết định thi hành.

Cần tiếp tục khẳng định vai trò của Chính phủ trong việc thống nhất quản lý Nhà nước về thi hành án; trong đó Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý thi hành án hình sự, Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý thi hành án dân sự, Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm kiện toàn bộ máy thi hành án trong quân đội theo hướng tập trung thống nhất về một đầu mối.

Riêng việc nâng cao vai trò của các Ủy ban Nhân dân trong công tác thi hành án, Phó Thủ tướng đề nghị cần thực hiện phân cấp và chịu trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân các cấp trong công tác thi hành án trong phạm vi địa phương, bao gồm tổ chức phổ biến pháp luật về thi hành án; đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất cho thi hành án; phối hợp với các Bộ quản lý thi hành án trên địa bàn.

Bà Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đánh giá thời gian qua, công tác xét xử và thi hành án bị cắt khúc, tách rời nhau trong quá trình đảm bảo cho bản án có hiệu lực.

Vì vậy, phải xác định rõ vai trò, vị trí trong từng công đoạn, việc ra quyết định xét xử không phải là làm thay cho công tác thi hành án mà sau đó còn cần đến công đoạn thi hành án. Ngược lại, trong quá trình thi hành án nếu không thực hiện được thì phải có thông báo cho Tòa án và nêu rõ lý do để Tòa án điều chỉnh cho phù hợp và có tính thực thi cao.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung đánh giá thực trạng của hoạt động thi hành án; vị trí, tính chất của hoạt động thi hành án trong mối quan hệ với các hoạt động tư pháp; tính đa dạng và đặc thù của mỗi loại hình thi hành án (dân sự, hình sự, hành chính) nêu trong đề án; việc tổ chức hệ thống cơ quan quản lý, cơ quan thi hành án theo ngành dọc hiện nay.

Các đại biểu đã nêu bật vai trò của Ủy ban Nhân dân trong quản lý thi hành án hình sự, thi hành án dân sự, thi hành án hành chính theo ngành hiện nay.

Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng đặc thù của hoạt động thi hành án dân sự là cần có sự phối hợp với các chính quyền địa phương để huy động sức mạnh của các cấp, các ngành vào quá trình tổ chức thi hành án.

Do đó cần có Quy chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Ủy ban Nhân dân thành phố, giữa Cục Thi hành án dân sự và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện để thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác thi hành án dân sự, tạo sự phối hợp công tác tốt, tránh tình trạng chồng chéo, buông lỏng nhiệm vụ này./.

Liên Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục