Xác lập, phiên bản chiếc ngà voi hóa thạch 19.450 năm

Phân viện Quản lý rừng bền vững và Cấp chứng nhận rừng đã hoàn thành xác lập và phiên bản chiếc ngà voi hóa thạch 19.450 năm.
Trong hơn một tháng, ông Nguyễn Trường Sơn ở thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) cùng với hai cộng sự là Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Nam Hải là cộng tác viên Phân viện Quản lý rừng bền vững và Cấp chứng nhận rừng thuộc Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam hoàn thành việc xác lập và phiên bản chiếc ngà voi hóa thạch có niên đại 19.450 năm.

Chiếc ngà voi này được làm bằng chất liệu thạch cao (phần ngọn), sắt thép và ximăng (phần gốc) có chiều dài 2,94m, trọng lượng 57,2kg và đường kính gốc 29cm.

Trên cơ sở thực hiện theo phương pháp hình trụ và căn cứ vào hiện vật hiện có, xuất phát từ độ rỗng của phần ngọn chiếc ngà voi để tính toán một cách chính xác về các chi tiết. Cũng theo ông Sơn, trong thời gian tới sẽ cùng với các cộng sự tiếp tục nghiên cứu xác lập và phiên bản chiếc họp sọ của loài voi này tương ứng với chiếc ngà voi đã được phiên bản mới đây.

Ông Nguyễn Trường Sơn là chuyên viên động vật rừng - thành viên của Phân viện Quản lý rừng bền vững và Cấp chứng nhận rừng trực thuộc Hội khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam hiện đang sở hữu một phần của chiếc ngà voi hóa thạch và được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cấp Giấy chứng nhận.

Một phần chiếc ngà voi này tổng chiều dài 1,26m, chu vi gốc 47cm và khối lượng 24kg được khai thác trong lòng đất ở địa danh vùng Chư A Thai thuộc huyện Phú Thiện, cách miệng núi lửa Hàm Rồng - thành phố Pleiku khoảng 30km (theo đường chim bay).

Lớp ngoài của chiếc ngà voi vẫn còn dính những hạt li ti nhiều màu sắc. Theo ông Trường Sơn, đó có thể là chất thủy tinh nham thạch bám vào trong quá trình miệng núi lửa Hàm Rồng lúc còn đang hoạt động.

Tổng hội địa chất Việt Nam, Viện đá quý - trang sức đã cấp Giấy chứng thực kiểm định đá quý về chiếc ngà voi này, trên cơ sở đó Viện Khảo cổ học Việt Nam cũng đã giám định niên đại của chiếc ngà voi hóa thạch này có từ 19.450 năm với độ tin cậy 95,4%, theo phiếu trả kết quả phân tích C-14 của Viện Khảo cổ học ngày 12/1/2011./.

Văn Thông (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục