Xâm hại tình dục trẻ em: Giải quyết bằng hoà giải là vi phạm pháp luật

Những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em vẫn còn tiếp diễn và kẻ phạm tội chưa bị pháp luật xử lý nếu chúng ta vẫn chọn im lặng thay vì lên tiếng và không kiên quyết đi đến cùng để tìm ra sự thật.
Xâm hại tình dục trẻ em: Giải quyết bằng hoà giải là vi phạm pháp luật ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: china.com)

Những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em vẫn còn tiếp diễn và kẻ phạm tội vẫn chưa bị pháp luật xử lý nếu chúng ta vẫn chọn im lặng thay vì lên tiếng. Do đó, bản thân gia đình nạn nhân cũng như cộng đồng cần phải lên tiếng, kiên quyết đi đến cùng sự thật để xây dựng môi trường an toàn, trong sạch cho trẻ em.

Dụ dỗ trẻ bằng lời nói cũng là dâm ô

Tại buổi toạ đàm “Xâm hại tình dục: Im lặng hay lên tiếng” được tổ chức ngày 14/3 tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang rất đáng báo động. Số lượng các vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện ngày càng gia tăng.

Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), mỗi năm trung bình có 1.600-1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục thì 65% nạn nhân là trẻ em, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12-15.

Đặc biệt, số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại cũng là vấn đề rất đáng báo động, chiếm tới 13,2%. Thời gian gần đây, ba vụ việc xảy ra liên tiếp liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Vũng Tàu đã gây bức xúc lớn trong dư luận xã hội.

Phân tích những khó khăn trong quá trình khởi tố vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, luật sư Lê Văn Luân (luật sư đang trợ giúp pháp lý cho vụ việc em bé 9 tuổi bị xâm hại tình dục ở Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng không nên quan niệm dâm ô phải là xâm hại trực tiếp đến thân thể thì mới cấu thành tội. Ở nhiều nước, hành vi dâm ô được phân loại rõ ràng, nếu chỉ gợi ý quan hệ, dụ dỗ, gạ gẫm, cho xem tranh ảnh khiêu dâm thì cũng đã cấu thành tội.

“Hiện nay, đối với các vụ án dâm ô trẻ em điều tra cần dựa vào nhân chứng, thực nghiệm hiện trường, lời khai của nạn nhân, chất vất kẻ gây án… nếu các cơ quan điều tra đòi hỏi phải có dấu vết mới xử lý vụ án thì lúc này sự việc đã tổn hại nghiêm trọng đến trẻ em,” ông Lê Văn Luân nói.

Hoà giải là vi phạm pháp luật

Trong khi số vụ việc xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện ngày càng gia tăng thì đáng buồn là nhiều nơi vẫn xử lý vụ việc này theo hướng hoà giải. Bản thân gia đình người bị hại cũng không muốn làm ầm ĩ vì sợ ảnh hưởng đến tương lai con trẻ. Những người có trách nhiệm đã không nhận thức được mức độ nghiêm trọng của hành vi xâm hại tình dục.

Xâm hại tình dục trẻ em: Giải quyết bằng hoà giải là vi phạm pháp luật ảnh 2Các em học sinh đang đọc sách "Quyền trẻ em". (Ảnh minh hoạ: Nguyễn Thủy/TTXVN)

Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cho rằng, đôi khi, sự chậm trễ xử lý các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em bắt nguồn từ phía nạn nhân và gia đình không dám tố cáo, không tìm đến cơ quan pháp luật để được hỗ trợ. Lý do thứ hai là nhiều cán bộ của cơ quan pháp luật chưa nhận thức đầy đủ tính nghiêm trọng của vấn đề nên họ tìm đến cách giải quyết tiêu cực, thậm chí vi phạm pháp luật là khuyến khích hai bên hoà giải, thủ phạm đền bù cho gia đình nạn nhân một số tiền nào đó là xong.

“Nếu cách giải quyết của chúng ta thiên về hoà giải sẽ dẫn đến những vụ việc như vậy bị ‘chìm xuồng’. Tôi nghĩ rằng quan điểm như vậy cần thay đổi, cách hoà giải những vụ việc nghiêm trọng như vậy không giải quyết vấn đề mà còn vi phạm pháp luật vì đây là hành vi vi phạm Luật Hình sự. Thậm chí một số địa phương ‘ém’ vụ việc đi để lấy thành tích thì còn vi phạm pháp luật ở mức độ cao hơn nữa,” tiến sỹ Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.

Các chuyên gia đã phân tích nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em chưa được xử lý theo pháp luật. Trong đó, có một nguyên nhân sâu xa là do ảnh hưởng của nền văn hóa phương Đông từ bao đời nay của người Việt khiến cho gia đình, cộng đồng, xã hội đều ngại đề cập đến các vấn đề tình dục, hiếp dâm, xâm hại trẻ em.

Thực tế cho thấy, khi các trường hợp xâm hại tình dục trẻ em xảy ra, phản ứng và hành động của gia đình, các cơ quan tư pháp, hành pháp, các tổ chức xã hội chưa được kịp thời và hiệu quả, dẫn tới thiếu các hoạt động can thiệp phù hợp. Sự chậm trễ này sẽ tạo nên hậu quả to lớn về tâm lý, sức khỏe cho gia đình nạn nhân cũng như ảnh hưởng lâu dài cho xã hội.

Các chuyên gia cho rằng, đối với những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, không cần nạn nhân tố cáo mà chính những người chứng kiến cũng có thể tố cáo vụ việc. Các cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm điều tra, làm sáng tỏ vụ việc. Chúng ta nên lựa chọn lên tiếng thay vì im lặng vì tội xâm hại tình dục trẻ em là một tội nghiêm trọng./.

Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) nói về việc xử lý các vụ xâm hại tình dục trẻ em.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục