Xây dựng 3 mô hình hợp tác xã có thế mạnh ở ĐBSCL

Ba mô hình hợp tác xã trong lĩnh vực trồng lúa, nuôi cá tra và trồng cây ăn trái sẽ được xây dựng ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Chiều 15/7, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã tổ chức hội nghị quán triệt nhiệm vụ thực hiện đề án “Khảo sát, đánh giá kết quả hoạt động mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã; xây dựng thí điểm mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.”

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng phát triển kinh tế tập thể là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong Cương lĩnh Đại hội XI của Đảng. Ngày 21/2/2013, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Kết luận số 56-KL/TW “Đưa kinh tế tập thể thật sự trở thành thành phần kinh tế quan trọng cùng với kinh tế nhà nước dần trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị của địa phương và đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.”

Mục tiêu của đề án là thúc đẩy sự phát triển bền vững, đúng bản chất khu vực kinh tế tập thể tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp, qua đó giúp người dân cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội; nâng cao tinh thần hợp tác của cộng đồng thành viên và dân cư địa phương.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực đồng bằng sông Cửu Long là nơi kinh tế cá thể rất phát triển, đã và đang hình thành các vùng sản xuất chuyên canh về lúa, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, cuộc sống của người dân trong khu vực vẫn còn nghèo, thu nhập không ổn định do chưa có nguồn giống chất lượng, ổn định; phương pháp canh tác còn lạc hậu, chưa cập nhật, phổ biến những phương thức, máy móc hiện đại; nguyên vật liệu phục vụ sản xuất kinh doanh chưa ổn định, chất lượng không bảo đảm; giá thành sản phẩm không cao do bị tư thương ép giá, thường xuyên xảy ra tình trạng được mùa mất giá…

Theo ông Đặng Huy Đông, nguyên nhân của tình trạng này là do các hộ gia đình, đơn vị kinh tế tư nhân tự ai nấy làm, chưa có liên kết, hợp tác với nhau hoặc chưa có tổ chức, đơn vị nào đứng ra hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân cách làm ăn phù hợp, hiệu quả.

Mô hình hợp tác xã là mô hình rất phù hợp để giải quyết vấn đề này. Thông qua hợp tác xã, các thành viên sẽ được cung ứng nguyên vật liệu đầu vào với giá thấp, hỗ trợ, tư vấn về kỹ thuật, công nghệ sản xuất và giúp tiêu thụ sản phẩm đầu ra một cách hiệu quả nhất.

Vì vậy, yêu cầu cấp thiết hiện nay là tổ chức xây dựng được một số mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác điển hình, giúp nông dân đoàn kết, hợp tác với nhau cùng phát triển kinh tế, từng bước cải thiện đời sống nhân dân.

Trước mắt, sẽ xây dựng 3 mô hình hợp tác xã trong lĩnh vực trồng lúa, nuôi cá tra và trồng cây ăn trái, là thế mạnh và là sản phẩm phổ biến ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, hiện 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long có hơn 1.314 hợp tác xã với 23.260 lao động, khoảng 45.000 tổ hợp tác trong nông nghiệp, thủy sản; 3.280 trang trại, chiếm 14% tổng số cả nước.

Nhìn chung, kinh tế hợp tác nông nghiệp trong vùng đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo cho từng địa phương, tác động tích cực trên phạm vi rộng lớn về mặt nhận thức của nông dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những hợp tác xã phát triển tốt thì còn rất nhiều hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả, phổ biến ở những huyện, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào đân tộc thiểu số sinh sống.

Một số nơi quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác chưa được các cấp ủy Đảng và chính quyền quan tâm chỉ đạo; cơ chế chính sách phát triển kinh tế hợp tác chưa đến được với hợp tác xã, nhiều hợp tác xã còn mang nặng tư tưởng bao cấp, thiếu vốn sản xuất... nên sản phẩm cạnh tranh yếu trên thị trường.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe giới thiệu sâu hơn thông qua các chuyên đề như bản chất hợp tác xã kiểu mới theo Luật hợp tác xã năm 2012 và những nội dung cơ bản của Luật hợp tác xã 2012; vai trò của hợp tác xã trong phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long; đánh giá khái quát về tình hình phát triển hợp tác xã vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời, các đại biểu cũng chia thành nhiều nhóm, tiến hành khảo sát một số mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất có hiệu quả ở một số địa phương, để rút ra bài học kinh nghiệm thực tiễn, từ đó phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, đề ra kế hoạch thực hiện có hiệu quả trên phạm vi cả nước./.

Ngọc Thiện (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục