Xây dựng ba công trình chống ngập úng tại Đồng bằng sông Cửu Long

Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam đã quy hoạch xây dựng ba công trình chống ngập úng tại ba đô thị hiện bị ngập úng nghiêm trọng nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long là Cần Thơ, Cà Mau và Vĩnh Long.
Xây dựng ba công trình chống ngập úng tại Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1Chỉ sau hơn một ngày mưa lớn, thành phố Cà Mau ngập trong nước. (Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN)

Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam đã quy hoạch xây dựng ba công trình chống ngập úng tại ba đô thị hiện bị ngập úng nghiêm trọng nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long do biến đổi khí hậu là Cần Thơ, Cà Mau và Vĩnh Long.

Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2016, với vốn do trung ương đầu tư, hệ thống công trình thủy lợi chống ngập úng cho vùng trung tâm thành phố Cần Thơ sẽ được xây dựng với nhiều hạng mục gồm 24 cống tiêu thoát nước, hai âu thuyền tại sông Trà Nóc, Bình Thủy, nạo vét 109km kênh trục, kênh cấp 1, nâng cấp 133,5km đê bao cấp 1, xây dựng mới sáu trạm bơm tiêu với 15 tổ máy (loại 10.800 m3/giờ), nâng cấp, xây dựng mới hệ thống kênh và bờ bao cấp 2, kênh nội đồng.

Phần ngoài đô thị, sẽ nạo vét 175km các kênh trục và kênh cấp 1 để tăng cường khả năng tiêu thoát.

Giai đoạn sau năm 2016, xây dựng hệ thống thủy lợi còn lại của khu trung tâm thành phố Cần Thơ. Toàn bộ khu đô thị được phân thành 18 ô bảo vệ, rộng 48.000ha (chủ yếu theo kênh cấp 1) với diện tích từ 600ha đến 4.300ha mỗi ô. Trong đó, khu vực trung tâm thành phố Cần Thơ rộng 17.700ha, bao gồm quận Ninh Kiều, Bình Thủy, một phần của quận Ô Môn và huyện Phong Điền.

Tại thành phố Vĩnh Long, từ nay đến năm 2020, sẽ xây dựng 19 cống tưới tiêu nước và đê kè chống tràn kết hợp chỉnh trang đô thị; nâng cấp, mở rộng các kênh trục tiêu thoát nước kết hợp tưới gồm rạch Cái Đôi, Cái Đa, rạch Chùa, Nhà Dài, rạch Thắm, Bà Điều, Đường Chừa-Ngã Tắc, Đìa Chuối-Ông Me Lớn, sông Cái Sơn và các kênh tiêu nước; nâng cấp, xây bổ sung gần 74km đê bao kết hợp giao thông; xây tám trạm bơm tổng công suất 226.800 m3/ giờ và nâng cấp hệ thống đê bao, kênh nội đồng thuộc khu thủy lợi 1, 2, 3; sử dụng các vùng trũng, sông rạch, hồ làm khu trữ, điều tiết nước mưa.

Sau năm 2020, xây dựng các công dưới đê dọc sông Cổ Chiên gồm cống Cái Đa Lớn, Cái Đôi Lớn, Cái Cam, cống-âu thuyền Cái Côn, Long Hồ, Cá Lóc nhằm ngăn triều cường, nước biển dâng.

Tại thành phố Cà Mau, từ nay đến năm 2020 sẽ nâng cấp, xây dựng 120km bờ bao chống tràn dọc theo sông Cà Mau, kênh Cà Mau-Bạc Liêu, kênh Quản Lộ-Phụng Hiệp, sông Gành Hào, sông Đốc, Rạch Rập, kênh Lương Thế Trân, đường vành đai số 3; xây dựng 11,3km kè kết hợp chỉnh trang đô thị trung tâm thành phố Cà Mau; xây dựng 16 cống tiêu tại các ô bao số 1, 3, 5, 6; nạo vét 35,2km kênh rạch các cấp và 13 hồ điều hòa tại các ô bao; nâng cấp và xây dựng mới hệ thống thoát nước mưa bảo đảm đáp ứng yêu cầu thoát nước toàn thành phố Cà Mau.

Sau năm 2020, xây dựng các cống dưới đê gồm cống Cái Đôi Vàm, Cây Toàn, âu Gành Hào, Nhà Mát, Mỹ Thanh tạo thành hệ thống khép kín từ sông Cái Lớn-Cái Bé đến sông Mỹ Thanh nhằm ngăn triều từ xa và nước biển dâng.

Theo Bộ Xây dựng, năm 2000 chỉ có vài vùng ven Cần Thơ bị ngập dưới 30cm nhưng từ mùa mưa lũ năm 2008 đến nay đã có 80% diện tích tại đây bị ngập, nhiều khu vực ngập sâu 0,5m. 51/81 tuyến đường tại trung tâm thành phố thường xuyên ngập khi triều cường.

Ở thành phố Cà Mau, nhiều tuyến đường bị triều cường gây ngập 5-10cm (trời không mưa), nếu có mưa lớn thì ngập sâu từ 25-40cm.

Còn thành phố Vĩnh Long, 54% diện tích bị ngập do nước mưa, 46% diện tích bị ngập do mưa, lũ và triều cường kết hợp. Tại các khu vực này, thời gian ngập kéo dài nhiều giờ trong thời gian đỉnh triều và xuất hiện hai lần trong tháng. Ngập nghiêm trọng nhất là tại các phường 2, 3, 4, 5, 8, 9.

Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, 50 năm qua, mức nước biển tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã dâng cao 12cm.

Ngoài thành phố Cần Thơ, Cà Mau, Vĩnh Long chịu ảnh hưởng nặng nhất, các đô thị như Châu Đốc, Long Xuyên (tỉnh An Giang), Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) cũng bị ngập thường xuyên, nhất là trong mùa mưa lũ.

Dự báo đến năm 2050, độ sâu ngập lụt tại các đô thị trong vùng sẽ gia tăng từ 0,1-0,5m, ảnh hưởng nghiêm trọng đếu tiêu thoát nước.

Sẽ có thêm các đô thị như Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), Tân An (tỉnh Long An), Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), Rạch Giá, Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) bị ngập sâu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục