Chính sách cho "osin"

Xây dựng chính sách với lao động giúp việc gia đình

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ trình Chính phủ Nghị định hướng dẫn một số điều của Bộ Lao động về lao động giúp việc gia đình.
Ngày 15/11, Hội thảo tham vấn "Lao động giúp việc gia đình: nhận diện và định hướng chính sách" đã được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Liên Hợp quốc và Quỹ hỗ trợ nhằm đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ tổ chức.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết pháp luật lao động hiện hành chưa quy định cụ thể về quản lý lao động giúp việc gia đình, công tác quản lý, sử dụng lao động giúp việc gia đình chưa được cơ quan chức năng ở địa phương quan tâm nên đã xảy ra nhiều bất cập. Chính phủ đã giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu xây dựng một chính sách quản lý thống nhất đối với những lao động này.

Hội thảo hướng tới mục tiêu thống nhất khái niệm, phân loại các hình thức lao động giúp việc gia đình ở Việt Nam, từ đó xác định phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Nghị định; làm rõ các tính chất, đặc điểm của lao động giúp việc gia đình và những vấn đề liên quan đến quy định của Bộ Luật Lao động đối với đối tượng này; làm rõ những nội dung về việc làm bền vững cho lao động giúp việc gia đình trong dự thảo Công ước kèm Khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và yêu cầu chính sách đối với lao động giúp việc gia đình ở Việt Nam.

Giám đốc Văn phòng ILO bà Rie Vejs Kjeldgaard tại Hà Nội chia sẻ, lao động giúp việc gia đình là một hình thức việc làm nhưng hiện chưa có chính sách cụ thể về lĩnh vực này. Có bao nhiêu phần trăm lao động giúp việc gia đình được hưởng lương và chế độ chính sách thỏa đáng; hiểu biết của những người lao động giúp việc gia đình về quyền lợi của họ; giải quyết những vấn đề về lạm dụng lao động, xâm phạm... là những vấn đề theo bà Rie Vejs Kjeldgaard cần được thảo luận tại hội thảo này nhằm đề xuất chính sách cho lao động giúp việc gia đình.

Bà Trần Thị Hồng (Viện Gia đình và Giới) đã nêu lên hai đặc trưng xã hội của loại hình lao động giúp việc gia đình hiện nay tại Việt Nam là thiếu chuyên môn và thiếu quan hệ pháp lý. Tại Việt Nam, hệ thống luật pháp hiện hành chưa có quy định rõ ràng về nghề lao động giúp việc gia đình. Hiện lao động giúp việc gia đình được quy định chung với các loại hình lao động khác trong Bộ Luật Lao động.

Để có được mối quan hệ bình đẳng, công bằng, dân chủ giữa lao động giúp việc gia đình và gia chủ, bà Trần Thị Hồng đề xuất Chính phủ cần ban hành Nghị định về lao động giúp việc gia đình, quy định rõ về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; độ tuổi được giúp việc gia đình; hình thức thỏa thuận việc làm; thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chế độ tiền công, thù lao... Đồng thời cũng cần có những quy định cụ thể cho người giúp việc gia đình nếu xảy ra vi phạm.

Cùng với quan điểm cần có một Nghị định về quản lý lao động giúp việc gia đình, Thạc sỹ Hoa Hữu Vân (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) đề xuất Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính cùng với các bộ, ngành liên quan xây dựng nội dung chương trình đào tạo, bố trí hợp lý nguồn ngân sách để mở các khóa đào tạo nghề cho người lao động, giúp họ có kỹ năng cơ bản đáp ứng công việc tại các gia đình.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội dự kiến sẽ trình Chính phủ Nghị định hướng dẫn một số điều của Bộ Lao động về lao động giúp việc gia đình vào tháng 12 tới./.

Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục