Xây dựng Đà Lạt thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương

Thủ tướng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thành phố Đà Lạt trở thành một đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế, đủ điều kiện trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương.
Xây dựng Đà Lạt thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương ảnh 1Một góc thành phố Đà Lạt. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 4/7, tỉnh Lâm Đồng công bố Quyết định số 704 ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch điều chỉnh, Đà Lạt được xây dựng thành đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế, đủ điều kiện trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương.

Ông Nguyễn Xuân Tiến, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, nhấn mạnh việc điều chỉnh quy hoạch dựa trên chiến lược phát triển hệ thống đô thị của Việt Nam; Quy hoạch vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nghị quyết của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển thành phố Đà Lạt.

Mục tiêu chủ yếu là phát triển thành phố Đà Lạt nhanh và bền vững, hướng đến một thanh phố văn minh, thân thiện, đặc thù theo chuỗi đô thị với mô hình: thành phố trong rừng, rừng trong thành phố.

Phạm vi điều chỉnh quy hoạch Đà Lạt và vùng phụ cận gồm thành phố Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 335.930ha, dân số hiện tại gần 530.000 người. Trong đó, thành phố Đà Lạt có diện tích 39.440ha với dân số 212.000 người.

Dự kiến đến năm 2030 dân số của vùng đạt từ 700.000-750.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 500.000 người, tỷ lệ đô thị hóa từ 60-70% và thu hút khoảng 9-10 triệu khách du lịch.

Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 sẽ đẩy mạnh đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng và tập trung cho ba khu vực với vùng phát triển đô thị khoảng 11.600ha, gồm trung tâm thành phố Đà Lạt và các đô thị chia sẻ chức năng, đô thị vệ tinh Liên Nghĩa-Liên Khương (huyện Đức Trọng), Finôm-Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương), Lạc Dương (huyện Lạc Dương), Đ’ran (huyện Đơn Dương), Nam Ban (huyện Lâm Hà) và Đại Ninh (huyện Đức Trọng).

Vùng phát triển nông nghiệp và nông thôn có tổng diện tích 73.000ha, tập trung tại Đà Lạt và các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương.

Vùng bảo tồn phát triển rừng có tổng diện tích 232.000ha nằm tại các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng.

Đà Lạt đã trải qua quá trình hơn 120 năm hình thành và phát triển, hiện là thành phố đô thị loại I, thủ phủ tỉnh Lâm Đồng với quy mô trên 3.359km2.

Đà Lạt và vùng phụ cận có tính chất là trung tâm hành chính-chính trị, kinh tế-văn hóa, khoa học-kỹ thuật của tỉnh Lâm Đồng; là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục-đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành cấp quốc gia; trung tâm bảo tồn rừng cảnh quan và đa dạng sinh học cấp quốc gia; trung tâm thương mại dịch vụ, hội chợ triển lãm; trung tâm văn hóa-nghệ thuật, thể dục thể thao và giải trí cấp vùng; có vị trí quan trọng về quốc phòng an ninh đối với khu vực Tây Nguyên và cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục