Xậy dựng đại học đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, để trường đại học Việt Nam đứng trong tốp 100 trường hàng đầu thế giới cần có một lộ trình.
Ngày 12/9, tại Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức hội thảo “Xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức."

Hội thảo đã nghe báo cáo của nhóm tư vấn về nhiệm vụ của dự án hỗ trợ kỹ thuật trong xây dựng 2 trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và Đại học quốc tế tại Đà Nẵng; tình hình xây dựng và hoạt động của trường Đại học Việt Đức.

Các đại biểu thảo luận xung quanh chủ đề “Làm thế nào để Việt Nam có thể xây dựng được những trường đại học đẳng cấp quốc tế” với các nội dung như phát triển học thuật, quản trị trường đại học theo mô hình mới, cơ chế tài chính cho các trường đại học mô hình mới trình độ quốc tế của Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 8/2009, cả nước có 376 trường đại học, học viện, trường đại học và cao đẳng, trong đó có 81 trường đại học và cao đẳng ngoài công lập. 56 trường đã được giao đào tạo tiến sĩ, 82 trường đại học được giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ.

Việt Nam đã chọn 15 trường để xây dựng trường đại học trọng điểm, nhưng đến nay vẫn chưa có trường đại học nào được xếp trong tốp 500 trường hàng đầu châu Á. Nguyên nhân trực tiếp là Việt Nam chưa có trường đại học nào là trường đào tạo xuất sắc và nghiên cứu xuất sắc.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, hướng tới mục tiêu có thể hình thành các trường đại học đẳng cấp quốc tế trong thời gian sau 15 năm, giải pháp khả thi là cùng với sự đầu tư mạnh mẽ của Chính phủ, cần kết hợp cơ sở vật chất, nguồn nhân lực hiện có của các trường đại học, viện nghiên cứu tốt nhất của Việt Nam và sự tham gia trực tiếp, toàn diện, đủ mạnh của các trường đại học tiên tiến trên thế giới.

Với giải pháp này, dự kiến lộ trình phát triển chất lượng của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đến năm 2020 sẽ là xây dựng 5 trường đại học quốc tế với sự tham gia của 5 quốc gia và 100 đại học thành viên. Sau năm 2025, Việt Nam sẽ có 5 trường đại học đẳng cấp quốc tế (thứ hạng 200-400); 20 trường đại học mạnh, khá so với quốc tế.

Việt Nam đang triển khai xây dựng 4 trường đại học trình độ quốc tế với vốn vay khoảng 400 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á. Đến nay, trường Đại học Việt Đức đã được thành lập năm 2008, trường Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thành lập về nguyên tắc.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng và Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, Đại học Đà Nẵng và Đại học Cần thơ trong việc xây dựng đề án tiền khả thi thành lập trường đại học quốc tế tại Đà Nẵng và đại học quốc tế tại Cần Thơ./.

Chủ trì Hội thảo, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, để trường đại học Việt Nam có tên trong danh sách tốp 100 trường đứng hàng đầu thế giới cần có một lộ trình. Đây thực sự là nỗ lực không chỉ của riêng ngành giáo dục mà còn là quyết tâm của cộng đồng xã hội và cả quốc gia để tạo ra uy tín trong đào tạo.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đang có nhiều cố gắng nhằm cải tiến hệ thống giáo dục. Một trong số những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục là đầu tư xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam đang có trên 1.200 người đang theo học bậc sau đại học ở nước ngoài. Đây là lực lượng có chất lượng cao và họ sẽ đóng vai trò của mình khi đất nước cần.

Phó Thủ tướng khẳng định, sau khi có trường đại học đẳng cấp quốc tế, Việt Nam sẽ thu hút trên 300.000 du học sinh về nước làm việc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục