Xây dựng đề án để “chuẩn hóa” các tiêu chuẩn nhà ở công vụ

Bộ Xây dựng đang xây đề án về nhà công vụ để trình Chính phủ phê duyệt nhằm cụ thể hóa các quy định về tiêu chuẩn nhà ở công vụ.

“Chuẩn hóa” tiêu chuẩn nhà ở công vụ là nội dung được Bộ Xây dựng thực hiện để trình Chính phủ phê duyệt nhằm cụ thể hóa các quy định về tiêu chuẩn nhà ở công vụ.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, dựa trên báo cáo của 33 bộ ngành, cơ quan Trung ương và 60 địa phương tính đến hết năm 2014, tổng quỹ nhà ở công vụ của cả nước có gần 61.250 căn các loại.

Số lượng nhà công vụ này tương ứng khoảng trên 1,6 triệu m2 sử dụng bao gồm 81 biệt thự, 5.202 căn hộ chung cư và 55.966 nhà ở liền kề.

Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực ngày 1/7 tới đây cũng đã quy định về tiêu chuẩn diện tích nhà ở công vụ do Thủ tướng Chính phủ quy định và được điều chỉnh cho phù hợp với từng thời kỳ theo đề nghị của Bộ Xây dựng.

Tuy nhiên, Luật Nhà ở năm 2014 đã bổ sung đối tượng được bố trí nhà ở công vụ là bác sỹ, nhân viên y tế, giáo viên được điều động đến công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo; nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ.

Do đó, Bộ Xây dựng cho rằng cần quy định tiêu chuẩn nhà ở công vụ cho các đối tượng mà Luật Nhà ở năm 2014 đã quy định bổ sung thêm.

Mặt khác, tại quy định cũ chưa có quy định về trang bị nội thất nên một số trường hợp người thuê nhà ở công vụ vẫn phải tự đầu tư trang thiết bị nội thất. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cơ quan quản lý nhà ở công vụ khó thu hồi lại nhà ở công vụ khi người thuê hết tiêu chuẩn theo quy định vì khi họ trả lại nhà ở này thì lại gặp khó khăn trong việc tháo dỡ các trang thiết bị nội thất đã đầu tư lắp đặt.

Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà ở công vụ cũng không thể hoàn trả kinh phí mà người thuê đã đầu tư trang thiết bị nội thất khi ở đây. Do đó, quy định mới sẽ đồng thời bổ sung nội dung về trang bị nội thất cho nhà ở công vụ, đảm bảo các quy định của pháp luật về nhà ở hiện hành.

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, quy định tiêu chuẩn nhà ở công vụ sẽ bao gồm tiêu chuẩn diện tích sử dụng và định mức trang bị nội thất nhà ở. Tiêu chuẩn sử dụng cũng quy định cụ thể với từng đối tượng được bố trí thuê nhà ở công vụ với diện tích sử dụng tương ứng với chức danh, hệ số lương và hệ số phụ cấp chức vụ.

Cùng đó, danh mục các trang bị nội thất cơ bản và định mức kinh phí tối đa trang bị nội thất từng loại nhà biệt thự, căn hộ chung cư tại khu vực đô thị và căn nhà khu vực nông thôn cũng được quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người thuê nhà ở công vụ, làm cơ sở để các bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện.

Mặt khác, dự thảo quy định rõ trường hợp bố trí nhà ở công vụ được cộng thêm diện tích sử dụng của từng thành viên trong gia đình (6m2 sử dụng/người); trường hợp một người đồng thời đảm nhận nhiều chức danh có tiêu chuẩn sử dụng nhà ở công vụ thì được áp dụng tiêu chuẩn nhà ở công vụ theo chức danh cao nhất.

Về ý kiến cho rằng người thuê nhà không phải trả thêm tiền thuê phần diện tích nhà ở công vụ vượt tiêu chuẩn, Bộ Xây dựng giải trình, theo các quy định cũ, giá thuê nhà ở công vụ đã được tính đủ các chi phí cần thiết để bảo toàn vốn đầu tư, đảm bảo thu hồi vốn đầu tư xây dựng, quản lý vận hành trong quá trình sử dụng, bảo trì nhà ở.

Bởi vậy, người thuê nhà ở công vụ chỉ phải trả tiền thuê nhà 10% lương và phụ cấp; trường hợp tiền thuê nhà ở công vụ vượt quá mức quy định nêu trên thì cơ quan sử dụng cán bộ, công chức có trách nhiệm thanh toán phần chênh lệch từ nguồn chi phí hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị.

Tuy nhiên, hàng năm Nhà nước phải cấp bù từ ngân sách khoảng 60% đến 70% cho việc quản lý, bố trí cho thuê nhà ở công vụ.

Để khắc phục tồn tại này, Luật Nhà ở năm 2014 quy định giá thuê nhà ở công vụ được xác định theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết để thực hiện quản lý vận hành, bảo trì và quản lý cho thuê trong quá trình sử dụng nhà ở công vụ (trong giá thuê nhà ở công vụ không tính tiền sử dụng đất xây dựng nhà ở công vụ và không tính chi phí khấu hao vốn đầu tư xây dựng nhà ở công vụ hoặc chi phí mua nhà ở thương mại làm nhà ở công vụ).

Điều này sẽ đảm bảo Nhà nước không phải cấp bù từ ngân sách, đồng thời duy trì chất lượng của nhà ở công vụ, cung cấp các dịch vụ có chất lượng cho người thuê và quản lý quỹ nhà này có hiệu quả, đại diện Bộ Xây dựng khẳng định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục