Xây dựng Hà Nội là trung tâm văn hóa tiêu biểu của cả quốc gia

Theo giáo sư Phan Huy Lê, Thủ đô Hà Nội sau vai trò trung tâm chính trị-hành chính, trung tâm quyền lực và đầu não của cả nước, phải là trung tâm văn hóa tiêu biểu của cả quốc gia-dân tộc.
Xây dựng Hà Nội là trung tâm văn hóa tiêu biểu của cả quốc gia ảnh 1Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Thủ đô Hà Nội sau vai trò trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm quyền lực và đầu não của cả nước, phải là trung tâm văn hóa tiêu biểu của cả quốc gia-dân tộc,” là ý kiến của giáo sư Phan Huy Lê, tại Hội thảo khoa học “60 năm Giải phóng Thủ đô - Thành tựu, thời cơ, thách thức và phát triển.” 

 Thế và lực của Thủ đô ngày càng lớn mạnh

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định Hội thảo là một trong những hoạt động có ý nghĩa quan trọng, là dịp để nhìn lại quá trình lịch sử 60 năm đấu tranh, xây dựng và phát triển; nhận định rõ nét hơn cơ hội, thách thức trong tình hình mới, những bài học kinh nghiệm, phương hướng để Thủ đô phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo.

Bí thư Thành ủy mong muốn các nhà khoa học, các đại biểu dự Hội thảo tiếp tục dành tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm của mình đóng góp với Thủ đô để Hà Nội phát huy hơn nữa những bài học kinh nghiệm quý báu; hạn chế, khắc phục những yếu kém, khuyết điểm đang tồn tại.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nêu rõ 60 năm qua, quân và dân Hà Nội, thế hệ tiếp bước thế hệ, đã lập nên những chiến công vang dội và nhiều thành tựu đáng tự hào; là niềm tin yêu và hy vọng nhân dân cả nước, được bạn bè thế giới ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người,” được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình,” được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng,” ba lần nhận Huân chương Sao Vàng và nhân dịp này thành phố vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh.

Qua 60 năm xây dựng và phát triển, thế và lực của Thủ đô lớn mạnh hơn trước rất nhiều. Từ một thành phố nhỏ bé, lạc hậu khi mới giải phóng, có diện tích khoảng 152km2 với 430.000 dân; nay đã trở thành một đô thị rộng lớn, ngày càng khang trang, hiện đại với diện tích 3.328km2, dân số hơn 7 triệu người.

Đặc biệt, từ khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có thêm những nguồn lực và tiềm năng phát triển cả về đất đai, vị thế quốc phòng, an ninh, về bản sắc, truyền thống văn hóa.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy cũng cho rằng bên cạnh các cơ hội lớn, Hà Nội cũng đang đối mặt với nhiều thách thức đặt ra.

Tốc độ đô thị hóa làm tăng nhanh dân số cơ học. Trong khi đó, kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; nhiều nguồn lực và lợi thế chưa được khai thác và sử dụng có hiệu quả; sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế.

Tình hình mới đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội phải tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, phát huy tiềm năng và lợi thế, không ngừng vươn lên để xây dựng và phát triển Thủ đô xứng tầm vị thế mà Hiến pháp, Luật Thủ đô, Nghị quyết của Bộ Chính trị đã xác định.

“Một trong những bài học kinh nghiệm quý báu, có ý nghĩa chỉ đạo quan trọng, lâu dài, đó là phát huy tiềm lực trí tuệ, khoa học của Thủ đô và cả nước,” Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh.

Đề cao bảo tồn, phát triển văn hóa và kinh tế tri thức

Tại hội thảo, bốn nhóm vấn đề chính gồm lịch sử-chính trị, văn hóa-xã hội, kinh tế-đối ngoại, quy hoạch-phát triển đô thị đã được các nhà khoa học thuộc các viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ quan văn hóa, khoa học, kỹ thuật phân tích trên tất cả các mặt, ở các góc độ và luôn tính đến những đặc trưng riêng của Hà Nội ở từng chặng đường phát triển, trong sự vận động chung, quy luật chung của cả nước, trong bối cảnh khu vực, quốc tế.

Các bài tham luận đã nêu được những thành tựu nổi bật, những khó khăn, những thách thức và cả sự sai lầm, vấp váp mà Hà Nội đã gặp phải và vượt qua, rút ra những bài học giúp ích cho hiện tại và sự phát triển của thành phố trong tương lai.

Đề cập đến vấn đề di sản văn hóa trong sự phát triển đặc trưng và bền vững của Thủ đô, giáo sư Phan Huy Lê cho rằng di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội phải được bảo tồn và phát huy có hiệu quả cao nhất để tạo nên một trung tâm văn hóa vừa tiếp nối con đường và truyền thống của Thủ đô qua hơn nghìn năm lịch sử xây dựng và bảo vệ.

Đây không chỉ là bảo tồn và trùng tu, tôn tạo các di sản vật thể mà còn bao hàm việc bảo tồn và phát huy các di sản phi vật thể, các truyền thống tốt đẹp và phong cách thanh lịch của con người Hà thành.

“Thủ đô Hà Nội sau vai trò trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm quyền lực và đầu não của cả nước, phải là trung tâm văn hóa tiêu biểu của cả quốc gia-dân tộc,” giáo sư Phan Huy Lê đặc biệt nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm với giáo sư Phan Huy Lê, bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện Tổ chức UNESCO tại Hà Nội đã khẳng định và nêu bật những giá trị quý báu của các di văn hóa, thương hiệu “độc nhất vô nhị” của Hà Nội.

Song, bà Katherine Muller-Marin cũng chỉ rõ Hà Nội hiện đang đương đầu với những thách thức mới nhằm đảm bảo mọi người dân đều có thể thụ hưởng đầy đủ của cải vật chất, hạnh phúc, một đời sống tri thức và sáng tạo viên mãn.

Tuy nhiên, để thúc đẩy du lịch văn hóa bền vững, bà Katherine Muller-Marin đề xuất Hà Nội nên khai thác nhiều hơn các giá trị văn hóa và di sản nhằm nâng cao chất lượng trải nghiệm của khu khách. Thành phố nên hướng tới việc kết nối chặt chẽ hơn giữa du khách và người Hà Nội.

Bàn về vấn đề phát triển kinh tế tri thức trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, tiến sỹ Nguyễn Đình Dương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội, cho rằng Hà Nội phải chuyển hướng chiến lược từ phát triển dựa chủ yếu vào tài nguyên sang phát triển dựa vào tri thức, năng lực trí tuệ của con người, từ sự coi trọng tăng trưởng GDP sang coi trọng hiệu quả, chất lượng của tăng trưởng, gia tăng hàm lượng tri thức, giảm mạnh tiêu hao năng lượng, nguyên liệu.

Theo tiến sỹ Nguyễn Đình Dương, Hà Nội cần tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tăng nhanh các ngành giá trị gia tăng cao dựa vào tri thức, công nghệ mới, hiện đại hóa tất cả các ngành.

Ưu tiên phát triển năm trụ cột trong công nghệ của kinh tế tri thức, gồm cơ khí tự động hóa, điện tử, năng lượng; công nghệ sinh học; công nghệ vật liệu mới; công nghệ thông tin và công nghệ môi trường.

Để hiện thực hóa được định hướng nêu trên, tiến sỹ Nguyễn Đình Dương đề xuất một số giải pháp cụ thể cho Thủ đô, nhưng trước mắt phải xác định đúng những ngành sử dụng nhiều tri thức cần được ưu tiên phát triển trước; xây dựng cơ chế thuận lợi cho việc trao đổi tri thức, chuyên gia, đào tạo giữa Hà Nội với các trung tâm hoạt động khoa học-công nghệ tiên tiến trong nước, khu vực và thế giới.

Hội thảo khoa học “60 năm Giải phóng Thủ đô - Thành tựu, thời cơ, thách thức và phát triển,” trong không khí phấn khởi của các tầng lớp nhân dân Thủ đô và cả nước chào mừng kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô do Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hôm nay, 3/10/2014.

Tham dự Hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang; Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các chuyên gia, các nhà khoa học và đại diện các tổ chức quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục