Xây dựng lộ trình toàn cầu cho hoạt động thăm dò vũ trụ

Với mục tiêu tìm kiếm hướng phát triển cho hoạt động thăm dò vũ trụ, ngày 9/1, quan chức cao cấp từ 35 quốc gia đã gặp mặt trong một hội nghị cấp cao.
Xây dựng lộ trình toàn cầu cho hoạt động thăm dò vũ trụ ảnh 1Mỹ vừa phóng thành công tàu vận tải không người lái Cygnus thứ hai lên trạm ISS. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Với mục tiêu tìm kiếm hướng phát triển hiệu quả cho hoạt động thăm dò vũ trụ, ngày 9/1, quan chức cao cấp từ khoảng 35 quốc gia đi đầu trong lĩnh vực không gian đã gặp mặt trong một hội nghị cấp Bộ trưởng đầu tiên để thảo luận về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đầy tiềm năng này.

Tổ chức tại thủ đô Washington dưới sự chủ trì của Mỹ, Diễn đàn Thăm dò không gian quốc tế (ISEF) có sự tham gia của nhiều bộ trưởng và quan chức cấp cao từ Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Brazil, Nigeria, Saudi Arabia...

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns, mục đích của hội nghị lần này nhằm xây dựng một lộ trình toàn cầu cho hoạt động hợp tác thăm dò Hệ Mặt trời trong tương lai.

Ông khẳng định các nước có mặt tại ISEF đều là những quốc gia có đầu tư lớn trong công tác thăm dò và khai thác không gian.

Trong bối cảnh lợi ích thương mại tăng cao đang khiến các cường quốc ngày càng quan tâm hơn tới các dự án thăm dò và khai thác tiềm năng không gian, trong khi đây không còn là lĩnh vực độc quyền của các nước lớn, hợp tác quốc tế đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với sự phát triển của hoạt động thăm dò vũ trụ.

Paul Weissenberg, Giám đốc phụ trách doanh nghiệp và công nghiệp của Ủy ban châu Âu, cho biết nhiều nước dù đang gặp vấn đề về ngân sách quốc gia cũng chủ trương mở rộng hoạt động trong lĩnh vực này.

Cung cấp một ý kiến đóng góp khác, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nhật bản Hakubun Shimomura cho rằng lợi ích từ thăm dò không gian là không thể chối cãi, song các bên cần xây dựng một chương trình hợp tác quốc tế "bền vững về kinh tế và chính trị."

Ông kêu gọi các nước tập trung xây dựng lộ trình thăm dò vũ trụ sau khi kết thúc dự án Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trị giá hơn 100 tỷ USD.

Trong vài thập kỷ trở lại đây, "sân chơi" thăm dò không gian quốc tế bắt đầu đón nhận sự tham gia của nhiều "người chơi" mới bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.

Trong khi đó, đóng góp từ những "ông lớn" tiên phong như Nga và Mỹ bắt đầu có dấu hiệu chững lại.

Washington đã bắt đầu giảm nguồn vốn hỗ trợ quốc gia dành cho các chương trình không gian, thay vào đó khai thác nhiều hơn nguồn lực từ các tập đoàn tư nhân.

ISEF với mục tiêu tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thăm dò không gian là sáng kiến bắt nguồn từ hội nghị Đối thoại Thăm dò không gian quốc tế cao cấp tổ chức năm 2011 dưới sự chủ trì của EU, Cơ quan Hàng không vũ trụ châu Âu và Chính phủ Italy./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục