Xây dựng luật bảo đảm quyền tố cáo của công dân

Xây dựng Dự án Luật Tố cáo nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác giải quyết tố cáo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Ngày 9/6, Văn phòng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ phối hợp tổ chức Hội thảo về Dự án Luật Tố cáo.

Luật Khiếu nại, tố cáo ban hành năm 1998 và được sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005 đã góp phần tạo lập khung pháp lý quan trọng để người dân tích cực tham gia phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, tăng cường trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong giải quyết tố cáo.

Tuy nhiên tổng kết cho thấy, công tác giải quyết tố cáo còn nhiều hạn chế, hiệu quả giải quyết các vụ việc tố cáo chưa cao. Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan; trong đó có nguyên nhân là do các quy định pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo còn nhiều hạn chế, bất cập.

Việc xây dựng Dự án Luật Tố cáo lần này nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác giải quyết tố cáo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Dự thảo Luật gồm 74 điều chia thành 9 chương. Để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về quyền tố cáo của công dân cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc giải quyết tố cáo, vì vậy Luật Tố cáo được coi là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản điều chỉnh chung đối với việc tố cáo và giải quyết các loại tố cáo.

Đồng thời để đảm bảo sự thống nhất giữa Luật Tố cáo với Bộ luật hình sự, Tố tụng hình sự, Bộ luật Lao động và các văn bản pháp luật khác thì trong dự thảo luật cần quy định những vấn đề chung, có tính nguyên tắc về quyền tố cáo của công dân, thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết tố cáo của các cơ quan tổ chức…

Hiện nay Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định về tố giác, tin báo tội phạm và nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; tố cáo và giải quyết tố cáo trong tố tụng hình sự.

Vì vậy trong thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo trong Luật này tập trung điều chỉnh đối với việc giải quyết tố cáo về vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, tổ chức; vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào.

Đối tượng áp dụng của Luật được quy định đối với công dân trong việc tố cáo; cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi bị tố cáo; cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc phối hợp giải quyết tố cáo…

Đại biểu Nguyễn Phước Thọ (Văn phòng Chính phủ) đánh giá tố cáo là một quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp khẳng định rất rõ. Thực hiện quyền cơ bản này là công dân thực hiện quyền tham gia quản lý xã hội, quản lý nhà nước, tham gia xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, bảo vệ lợi ích chung, thể hiện ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân đối với cộng đồng.

Ông Thọ cho rằng mục tiêu chung của Luật Tố cáo là cụ thể hóa quyền tố cáo của công dân, đổi mới công tác giải quyết tố cáo, bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện tốt quyền tố cáo.

Quan điểm này cũng được đại biểu Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra chia sẻ. Theo ông, điều quan trọng nhất dự thảo Luật Tố cáo cần phải làm được đó là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tố cáo và có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc giải quyết thông tin tố cáo.

Vụ trưởng vụ Khiếu tố - Viện kiểm sát nhân nhân tối cáo Nguyễn Thị Yến cùng một số ý kiến khác thống nhất cho rằng Luật Tố cáo phải được coi là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản điều chỉnh chung đối với việc tố cáo và giải quyết các loại tố cáo.

Đại biểu đề nghị cần phân biệt rõ tố cáo với thông tin tố giác tội phạm. Đại biểu Yến cũng có quan điểm thống nhất với Ban soạn thảo cho rằng phạm vi điều chỉnh của Luật quy định về quyền, nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo; thẩm quyền giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân; trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo; bảo vệ người tố cáo; quản lý về công tác giải quyết tố cáo; giám sát công tác giải quyết tố cáo.

Đại biểu cũng tán thành đối tượng áp dụng của Luật là công dân trong việc tố cáo; cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi bị tố cáo; cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc phối hợp giải quyết tố cáo…

Một số đại biểu tán thành với các hình thức tố cáo trong dự thảo Luật gồm tố cáo trực tiếp; gửi đơn tố cáo hoặc bản ghi lời tố cáo; tố cáo qua điện thoại; tố cáo bằng thông điệp dữ liệu.

Phó Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào Phạm Văn Tại tạo nêu vấn đề liệu luật có điều chỉnh những trường hợp tố cáo tập thể hay không. Nhiều ý kiến phát biểu tại Hội thảo đều thống nhất cho rằng cần quy định điểm dừng trong việc giải quyết tố cáo để tránh tố cáo tràn lan, vượt cấp. Tán thành với quan điểm này, ông Tại cho rằng Luật cần xác định thời điểm của điểm dừng.

Nhiều vấn đề khác như tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo; bảo vệ người tố cáo… đã được các đại biểu cho ý kiến tại hội thảo này./.

Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục