Xây dựng một chương về tố tụng lao động trong Luật tố tụng dân sự

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất xây dựng một chương riêng về tố tụng lao động trong Luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) để tiến tới có thể xây dựng một luật riêng, độc lập về tố tụng lao động.
Xây dựng một chương về tố tụng lao động trong Luật tố tụng dân sự ảnh 1Công ty GMIE (Bắc Ninh) bất ngờ dừng hoạt động, công nhân tụ tập trước cửa công ty để chờ giải quyết các chính sách bảo hiểm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất xây dựng một chương riêng về tố tụng lao động trong Luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), tiến tới có thể xây dựng một luật riêng, độc lập về tố tụng lao động để giải quyết tranh chấp lao động đang ngày càng gia tăng.

Đây là ý kiến của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đưa ra tại Hội thảo lấy ý kiến về các nội dung tố tụng lao động trong dự thảo Bộ Luật Tố tụng dân sự sửa đổi do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức ngày 7/10, tại Hà Nội.

Tại hội thảo, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, theo quan điểm của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam việc xây dựng một chương riêng tố tụng lao động trong Dự thảo Luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) là hết sức cần thiết. Hiện nay, trong Dự thảo trình Quốc hội chưa có một chương riêng về tố tụng lao động mà nằm rải đều ở một số điều, một số chương.

Lý giải cho sự cần thiết xây dựng một chương riêng về tố tụng lao động, ông Chính cho rằng tố tụng lao động có đặc thù, đặc trưng rất riêng biệt của quan hệ lao động. Trong quan hệ lao động dù có xảy ra tranh chấp thì hai bên có thể vẫn duy trì mối quan hệ, tuy nhiên một bên của quan hệ lao động là người lao động luôn ở thế yếu (do bị chi phối bởi mối quan hệ chủ- thợ).

Đặc biệt, chỉ trong tố tụng lao động mới có sự tham gia của các cấp công đoàn - đại diện người lao động và tập thể lao động mà tố tụng dân sự không có. Mặc dù Luật Tố tụng dân sự đã quy định về ủy quyền cho công đoàn giải quyết tranh chấp lao động nhưng thủ tục ủy quyền trong những vụ tranh chấp lao động tập thể vấn còn phức tạp. Khi công đoàn đại diện cho hàng chục, hàng trăm người lao động có cùng nội dung tranh chấp lao động vẫn phải xin ủy quyền từng cá nhân tại các đại phương.

Theo thống kê của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, trong 2 năm gần đây, các cấp công đoàn đã tham gia giải quyết khoảng 47.034 vụ tranh chấp lao động cá nhân, giải quyết quyền lợi cho 109.088 người lao động và đoàn viên công đoàn. Hơn 95% số lượng các vụ việc công đoàn tham gia tố tụng đều thắng kiện, mang lại nhiều quyền lợi thiết thân cho người lao động và đoàn viên công đoàn.

Tổng Liên đoàn lao động cũng cho ý kiến về quy định hòa giải, nghĩa vụ cung cấp chứng cứm thủ tục giải quyết tranh chấp… trong dự thảo Luật Tố tụng dân sự sửa đổi. Dự thảo Bộ Luật tố tụng dân sự (sửa đổi) sẽ tiếp tục được trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13./.

Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, số lượng các vụ tranh chấp lao động đưa đến Tòa án ngày càng tăng trong những năm gần đây, đa số các vụ việc tranh chấp lao động mà tòa án đã thụ lý giải quyết từ năm 1995 đến nay là tranh chấp lao động cá nhân, chỉ có 1 vụ tranh chấp lao động tập thể.

Năm 2012, tòa án cấp sơ thẩm thụ lý 3.117 vụ tranh chấp lao động cá nhân; năm 2013, tòa án cấp sơ thẩm thụ lý 4.470 vụ tranh chấp lao động cá nhân và đến năm 2014 tòa án cấp sơ thẩm thụ lý 4.682 vụ tranh chấp lao động cá nhân.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục