Xây dựng ngành giao thông thân thiện với môi trường

Sau 1 năm khởi động, hầu hết nội dung của Đề án giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động giao thông vận tải đã được thực hiện.
Sau hơn 1 năm khởi động Đề án giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động giao thông vận tải, được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, đến nay hầu hết các nội dung chủ yếu của Đề án đã được ngành triển khai thực hiện, với sự phối hợp cùng các Bộ, ngành có liên quan, nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đề án giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động giao thông vận tải hướng đến mục tiêu chung là kiểm soát, phòng ngừa, hạn chế gia tăng ô nhiễm, thực hiện hoàn nguyên môi trường trong hoạt động giao thông vận tải; hướng tới xây dựng hệ thống giao thông vận tải bền vững, thân thiện với môi trường. Trong giai đoạn 2011-2015, Đề án đặt ra 6 nhóm mục tiêu và xây dựng 18 nhiệm vụ, dự án cụ thể.

Tiêu biểu như thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải phương tiện giao thông đường bộ theo các quy định và Quyết định 49 ngày 1/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thiện bản đồ tiếng ồn đối với 50% cảng hàng không, sân bay; đề xuất phương án giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn trong hoạt động hàng không; tăng cường trang thiết bị thu gom, xử lý chất thải do hoạt động giao thông vận tải...

Theo đó, đến năm 2015 ngành giao thông vận tải phải phấn đấu đạt mục tiêu 25% số toa xe khách đường sắt được đóng mới, 80% bến xe khách loại 1 được trang bị công cụ, thiết bị và tổ chức thu gom, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt; 30% cảng biển quốc tế có trang bị phương tiện thu gom, xử lý rác và nước thải; 50% số bệnh viện có hệ thống xử lý chất thải rắn y tế tiên tiến tại chỗ...

Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường-Bộ Giao thông Vận tải cho biết, được sự hỗ trợ của của ngân sách Nhà nước và từ các nguồn vốn sự nghiệp, nguồn đầu tư phát triển và các nguồn khác, đến nay Đề án đã được triển khai tại các Bộ, ngành liên quan, cơ quan Trung ương và các địa phương, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...

Qua đó, ngành đã rà soát, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải; tổ chức nhiều đợt tập huấn, tuyên truyền về pháp luật bảo vệ môi trường cho đội ngũ cán bộ các cấp trong ngành; việc tuân thủ các hoạt động bảo vệ môi trường trong hoạt động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông ở tất cả cả các cấp đang được giám sát và thực hiện nghiêm ngặt.

Đặc biệt, để từng bước ứng dụng các loại hình giao thông vận tải “xanh” thân thiện với môi trường, ngành đã cho thí điểm xe buýt chở khách công cộng chạy dầu, xăng bằng nhiên liệu CNG và LPG tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh; thí điểm xe buýt công cộng có chỗ dành cho người khuyết tật đồng thời, ngành cũng thực hiện các giải pháp kiểm soát phát thải khí từ các phương tiện vận tải đường bộ; xây dựng và thí điểm các mô hình kiểm soát, xử lý, giảm thiểu chất thải trên tất cả mọi lĩnh vực giao thông vận tải.

Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải còn tích cực đánh giá, đề xuất, tham mưu cho Chính phủ về việc tham gia các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường trong giao thông vận tải biển, hàng không dân dụng trong điều kiện Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng./.

Văn Hào (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục