Xây dựng thành công những vùng trồng dược liệu 'trăm triệu'

Nhiều nông dân khắp cả nước đã và đang được hưởng lợi từ dự án Phát triển dược liệu sạch do Liên minh châu Âu triển khai tại Việt Nam.
Xây dựng thành công những vùng trồng dược liệu 'trăm triệu' ảnh 1Người dân xã Hải Lộc (Hải Hậu, Nam Định) phát triển mô hình trồng cây dây thìa canh. Thân và lá của cây dây thìa canh là thành phần chính để điều chế viên uống DIABETNA - có công dụng hạ đường huyết, kiểm soát đường huyết, phòng và hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường. (Ảnh: Công Luật - TTXVN

Nông dân thắng lớn từ dược liệu, những thửa ruộng cằn cỗi xưa kia nay bỗng trở thành những “mảnh đất trăm triệu”; những cây thuốc quen thuộc vườn nhà từ gấc, quất, đinh lăng, rau má, cỏ mực... lên ngôi, được trồng, tưới, chăm, hái theo tiêu chuẩn châu Âu...

Đó mới chỉ là phần nhỏ trong hơn 5.000 nguồn cây thuốc thuần Việt được phát triển thành công tại các vùng trồng trên cả nước.

Những thửa ruộng “trăm triệu”

Nằm biệt lập giữa con sông Đào, vùng quất dược liệu của vợ chồng ông Đoàn Văn Hoa (xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) được trồng theo phương pháp tự nhiên, bốn mùa xanh tốt, ra quả quanh năm.

 

Cây quất ở vùng dược liệu này không đẹp về mẫu mã nhưng rất an toàn vì không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, không thuốc bảo vệ thực vật. Ông Hoa cho biết, vườn quất của ông không sử dụng phân bón hóa học mà được sử dụng phân bón là hữu cơ làm từ bột đậu tương, để bảo đảm cây sinh trưởng phát triển tốt, không làm ảnh hưởng sức khỏe người trồng và người dùng.

Quất sau khi thu hoạch được chuyển đến dược liệu cách đó 30km là nơi bao tiêu sản phẩm. Tại đây, quất sẽ được kiểm tra, loại bỏ quả hỏng, sau đó rửa sạch, ngâm nước muối, phơi khô và đưa vào máy chưng với đường phèn. Dịch quất sau khi được chiết xuất sẽ được pha trộn với dịch chiết của dược liệu khác để thành siro chữa ho, cảm cho trẻ em.

Tháng 9/2017, vùng trồng quất này đã được thẩm định đạt tiêu chuẩn GACP-WHO của Viện Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế, cung cấp sản lượng 50 tấn dược liệu/năm để sản xuất siro ho cảm cho thu nhập mỗi ha lên tới 90 triệu đồng.

Xây dựng thành công những vùng trồng dược liệu 'trăm triệu' ảnh 2Dược liệu sạch theo tiêu chuẩn GACP-WHO sử dụng nguồn nước sạch và phân bón hữu cơ.

Dược liệu sạch theo tiêu chuẩn GACP-WHO sử dụng nguồn nước sạch và phân bón hữu cơ.

Cũng làm giàu bằng cây thuốc từ đồng đất cằn cỗi của mảnh đất quê hương Triệu Sơn (Thanh Hóa), cánh đồng cà gai leo của người nông dân tên Út trở thành cánh đồng mẫu trong việc chuyển đổi cây trồng ở nơi đây.

Được doanh nghiệp dược liệu tư vấn trồng cây dược liệu trên vùng đất phù hợp khí hậu, thổ nhương, anh Út là một trong số ít nông dân trong vùng quyết tâm chuyển sang trồng quy mô lớn loại cây vốn vẫn mọc hoang ở vườn nhà. Hơn 1 năm tiến hành cải tạo đất, anh Út mới có được vùng đất 10ha đạt tiêu chuẩn vùng trồng.

Sau hơn 2 năm trồng tưới, chăm bón, ruộng cà gai leo đã mang đến cho sản lượng 9 tấn khô cà gai leo, với mức thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Đáng chú ý, không chỉ đảm bảo về các tiêu chuẩn sạch từ nuôi trồng đến thu hái, mẫu cà gai leo từ vùng trồng nhà anh Út cho thấy hàm lượng chất chiết vượt chuẩn về dược chất.

Giải “cơn khát” dược liệu sạch

Có thể thấy, mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và người nông dân trong phát triển vùng dược liệu đang cho thấy những lợi ích kinh tế rõ rệt. Thống kê các vùng trồng được Dự án Phát triển dược liệu sạch BioTrade do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ tại Việt Nam chứng nhận đảm bảo chất lượng theo các tiêu chuẩn khắt khe như tiêu chuẩn châu Âu và theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới GACP-WHO, tiêu chuẩn hữu cơ Organic, tiêu chuẩn ISO 22000... đã lên tới con số 22 trong vòng 2 năm từ 2016-2018.

Xây dựng thành công những vùng trồng dược liệu 'trăm triệu' ảnh 3Ngoài điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu, những vùng trồng dược liệu nên là những cánh đồng lớn bởi chi phí đầu tư ban đầu để cải tạo đất, trồng thử nghiệm khá cao, ít hiệu quả với những mô hình nhỏ, manh mún.
 

Nhiều vùng trên cả nước đã dần hình thành các vùng nguyên liệu lớn đã thành thương hiệu như vùng trồng atiso và chè dây tại Lào Cai; quế tại Yên Bái; hồi tại Lạng Sơn; bèo hoa dâu tại Bắc Giang; quất, dây thìa canh, đinh lăng tại Nam Định; gấc, rau má tại Nghệ An; bụp giấm, cỏ mực, diệp hạ châu, lạc tiên, rau đắng đất tại Phú Yên, nghệ tại Đăk Lắk...

Theo đó, thu nhập mà hơn 6.000 người nông dân có được tại các vùng trồng có sự tham gia của BioTrade là rất khả quan. Thu nhập trung bình ở vùng trồng atiso là 100 triệu/ha, đương quy 100 triệu/ha, quất 90 triệu/ha, cá biệt có vùng trồng diệp hạ châu ở Phú Yên cho thu nhập 250 triêu/ha, vùng trồng đinh lăng ở Nam Định đã cho thu nhập lên tới 300 triệu/ha mỗi năm.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp dược liệu như Tuệ Linh, Nam Dược hay Herbeco, khó khăn của họ không phải là đầu tư và hỗ trợ nông dân hình thành vùng trồng mà là việc giữ vững cam kết của người nông dân, “chung thủy” chỉ bán hàng cho doanh nghiệp, tránh cám dỗ thị trường khi có sự chênh lệch về giá của con buôn.

Bên cạnh đó, việc phát triển tự phát vùng trồng không theo cam kết chất lượng cũng sẽ là một nguyên nhân khiến người nông dân thua lỗ. Điển hình là việc phát triển tự phát vùng trồng Thanh hao hoa vàng (trị sốt, vàng da, mụn nhọt lở ngứa...) trên diện tích hàng ngàn ha tại một số tỉnh, thành miền Bắc đã khiến giá dược liệu này rớt thảm hại mà người nông dân không bán được.

Khắt khe với chính mình về các tiêu chuẩn, gắn kết trong mọi cam kết sẽ là những điều kiện tiên quyết trong xây dựng những vùng trồng dược liệu sinh lợi cao. Những vùng trồng dược liệu thành công đang là nguồn cảm hứng cho những người nông dân mong muốn đổi thay cuộc sống từ đồng đất quê nhà./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục