Xây dựng thương hiệu cho hồng không hạt Bảo Lâm

Đầu tháng 11 tới sẽ hồng Bảo Lâm được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, giúp loài cây đặc sản của Lạng Sơn này khẳng định thương hiệu.
Sau một năm thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng chỉ dẫn địa lý 'Bảo Lâm' cho sản phẩm hồng không hạt Bảo Lâm - tỉnh Lạng Sơn,” đầu tháng 11 tới loài cây đặc sản của quê hương xứ Lạng sẽ được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Đề tài do Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn thực hiện. Tiến sỹ Lường Đăng Ninh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cho biết, được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý không chỉ giúp hồng Bảo Lâm khẳng định được thương hiệu, không bị lẫn với các giống hồng khác như hồng không hạt Bắc Kạn, hồng lai Nhật Bản ở Mai Châu… mà còn được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Hồng không hạt Bảo Lâm là giống hồng nổi tiếng được trồng từ lâu đời tại xã Bảo Lâm huyện Cao Lộc và các xã lân cận thuộc hai huyện Cao Lộc và Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Trong đó, hồng không hạt được trồng ở xã Bảo Lâm cho năng suất và chất lượng cao hơn cả và đây cũng chính là “cái nôi” khai sinh ra loại quả này.

Theo các nghiên cứu trong đề tài, hồng không hạt Bảo Lâm thuộc họ thị, quả hồng tròn, nhỏ có hình trái tim, không có hạt. Trên cuống có bốn tai nhỏ, khi hồng chín các tai hóa gỗ có màu nâu và hơi cong lên phía trên. Thân quả có 4-6 rãnh kéo dài từ cuống đến giữa quả làm nổi nhẹ 6-8 múi.

Quả chín vỏ có màu vàng đỏ hoặc màu vàng đất có ánh xanh lục; vỏ dày, nhẵn không bóng; thịt quả màu đỏ vàng da cam hoặc vàng đậm, mịn ; thịt quả ăn giòn, thơm, ngọt đậm; mặt cắt ngang của quả có hình hoa thị 8-12 cánh đều nhau, màu vàng đỏ đậm, các cánh hoa thị này do các hạt lép tạo thành; mặt cắt dọc quả không có thớ, thịt quả mịn, hầu như không có đốm đen, không có hạt.

Các xã trong huyện Cao Lộc, Bảo Lâm là khu vực có điều kiện đặc trưng về thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp cho sinh trưởng và phát triển của cây hồng không hạt và chính những điều kiện này đã tạo nên chất lượng đặc biệt của hồng không hạt Bảo Lâm so với hồng trồng ở các vùng khác.

Địa hình nơi đây là đồi núi thấp chia cắt ít, có độ cao trung bình từ 250 đến 300 m, khí hậu mát mẻ, độ dốc trung bình từ 8 đến 25 độ. Tại đây có hai loại đất chính là đất đỏ vàng trên đá sét (Fs) và đất vàng đỏ trên đá macma axit (Fa).

Độ ẩm cùng với lượng mưa thấp ở vùng trồng hồng Bảo Lâm của Lạng Sơn trong giai đoạn chín là lý do làm cho hồng có chất lượng cao, góp phần duy trì hàm lượng các chất dinh dưỡng và làm cho quả có hình thức đẹp hơn, tránh bị thối dập nếu gặp mưa liên tục.

Tỉnh Lạng Sơn có khoảng 250ha hồng Bảo Lâm tại huyện Cao Lộc, với giá bán trung bình trên 40.000 đồng/kg cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha. Đây là nguồn thu nhập không nhỏ đối với bà con các dân tộc vùng biên giới tỉnh Lạng Sơn./.

Hoàng Nam (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục