Xây dựng thương hiệu đặc sản gạo đỏ Quảng Điền

UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cho phép Hội Nông dân huyện Quảng Điền đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Gạo đỏ Quảng Điền.”
Từ thành công trong việc phục tráng giống lúa gạo đỏ vốn được trồng ở vùng thấp trũng bị nhiễm mặn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cho phép Hội Nông dân huyện Quảng Điền đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Gạo đỏ Quảng Điền.”

Trước đây, do năng suất thấp cùng với việc có thêm nhiều giống lúa ngắn ngày được đưa vào sản xuất nên giống lúa gạo đỏ hầu như không còn được trồng.

Năm 2010, trường Đại học Nông lâm - Đại học Huế đã giúp một số hộ nông dân xã Quảng Lợi về giống, kỹ thuật, phân bón để phục tráng thử nghiệm lại giống lúa gạo đỏ trên diện tích 1ha. Đây là lần đầu tiên sau khoảng 20 năm, giống lúa gạo đỏ trồng ở vùng nước nhiễm mặn Quảng Lợi được phục tráng.

Qua khảo nghiệm cho thấy, giống lúa gạo đỏ vẫn giữ nguyên được các đặc tính như thân cao và cứng, phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng đất ngập nước nhiễm mặn ở ven cửa sông, đầm phá.

Giống lúa gạo đỏ còn có khả năng chống chịu sâu bệnh rất tốt, không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và hầu như không bị nhiễm bệnh. Hiện nay, gạo đỏ đang được thị trường rất ưa chuộng.

Từ thành công bước đầu, ngành nông nghiệp tiếp tục hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm bón để mở rộng diện tích giống lúa gạo đỏ.

Ông Nguyễn Tường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quảng Lợi cho biết đến nay, xã đã phát triển được 7ha giống lúa gạo đỏ ở vũng thấp trũng nhiễm mặn. Mỗi ha cho năng suất khoảng 20 tạ. Tuy cho năng suất thấp hơn nhiều so với các giống lúa ngắn ngày nhưng gạo đỏ lại bán được giá cao hơn gấp từ hai đến ba lần. Mặt khác, gạo đỏ được sản xuất theo quy trình an toàn, chi phí sản xuất lại rất thấp.

Hiện ngành nông nghiệp Quảng Điền hỗ trợ sản xuất thêm 2ha giống lúa gạo đỏ tại Hợp tác xã Tam Giang, xã Quảng Thái. Xã Quảng Lợi cũng đang hỗ trợ người dân tiếp tục mở rộng diện tích trồng lúa gạo đỏ ở đất thấp trũng, ngập mặn ven phá Tam Giang.

Dự án phát triển nông thôn huyện Quảng Điền, chương trình xây dựng nông thôn mới cũng hỗ trợ về kinh phí, giống để mở rộng sản xuất giống lúa gạo đỏ.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đang xây dựng thương hiệu cho đặc sản gạo đỏ Quảng Điền. Đồng thời, phối hợp với các siêu thị, chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh để thu mua gạo đỏ cho nông dân.

"Gạo đỏ Quảng Điền" được xem đặc sản vì sản lượng ít, nhưng hạt gạo nhiều dinh dưỡng và được xem là một vị thuốc trong đông y. Do vậy, người tiêu dùng rất ưa chuộng nên bán được giá cao.

Gạo đỏ Quảng Điền thường dùng để nấu cháo, nhất là cho người bệnh. Người ta xay xát lúa sao cho còn lớp cám mỏng quanh hạt gạo để khi nấu cháo hạt gạo ít bị nát và giữ được mùi thơm béo đặc thù.

Với người dân Huế, cháo gạo đỏ ăn với cá bống thệ kho rim là một món ăn độc đáo và rất bổ dưỡng./.

Nguyên Lý (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục