Xây dựng thương hiệu là làm nên những ‘hiệu được thương”

Mục tiêu của xây dựng thương hiệu không phải là làm thế nào để dẫn đầu mà chính là phải làm sao lấy được tình yêu thương của khách hàng, của cộng đồng với thương hiệu mới thực sự thành công.
Xây dựng thương hiệu là làm nên những ‘hiệu được thương” ảnh 1Tọa đàm "Xây dựng thương hiệu để dẫn đầu” (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Do đặc tính địa phương, quê em người dân hay nói ngọng giữa ‘n’ với ‘l’, nên khi em đặt tên thương hiệu doanh nghiệp là Melina Spa đã có rất nhiều người lầm lẫn, thậm chí đến cả nhân viên cũng không đọc chính xác thương hiệu công ty. Có người đọc thành Menila, người khác thì Menina hay cả là Maria… Vì vậy, địa chỉ công ty trở thành thương hiệu để khách hàng biết đến.”

Đó là câu chuyện được một bạn sinh viên chia sẻ, sau sự vấp váp và những khó khăn phải đối mặt trong quá trình xây dựng thương hiệu tại buổi Tọa đàm "Xây dựng thương hiệu để dẫn đầu,” do Câu lạc bộ Sở hữu trí tuệ (IPC), Câu lạc bộ Sở hữu trí tuệ tổ chức.

Truyền thông về cách đọc tên

Với cách trình bày rất rõ ràng và lưu loát, song khuôn mặt của cô gái trẻ mới bước vào độ tuổi hai mươi này ẩn chứa đầy nỗi ưu tư, “em có thể trắng tay không? Liệu khách hàng có nhớ đến thương hiệu của em khi mà chủ nhà sẽ kết thúc hợp đồng cho thuê trong hai năm tới. Thương hiệu công ty đã được đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ, song nếu em đổi trụ sở, thương hiệu này còn giá trị gì không, khi mà thậm chí khách hàng không thể đọc chính xác chứ chưa nói việc ghi nhớ tên thương hiệu.”

Bạn sinh viên này mong muốn các diễn giả tại buổi tọa đàm cho cô những ý kiến tư vấn và bạn có phải đặt cái tên mới cũng như làm lại từ đầu quá trình xây dựng thương hiệu công ty.

Câu chuyện từ một sinh viên chưa ra trường đã khiến cho các diễn giả là những chuyên gia thương hiệu đầu ngành, các doanh nhân giàu kinh nghiệm không khỏi ngỡ ngàng và thú vị.

Bà Đặng Thanh Vân, Tổng giám đốc Thanhs Branding, Chuyên gia tư vấn chiến lược thương hiệu cho rằng, Melina là một cái tên rất đẹp và nếu có nhiều câu chuyện ấn tượng xung quanh cái tên đó như vậy thì bạn gái trẻ trên cần phải tận dụng câu chuyện thương hiệu như một lợi thế.

“Những thương hiệu như Yahoo, Google, 7 up… ban đầu cũng không dễ đọc với đông đảo người Việt, tuy nhiên họ đã có rất nhiều phương pháp tiếp cận khách hàng tiềm năng, người tiêu dùng. Như Yahoo có những clip quảng cáo truyền thông về cách đọc tên thương hiệu rất dí dỏm ‘Y à hú uuu…,’” bà Vân dẫn chứng.

Theo đó, bà Vân cho rằng, bạn trẻ trên nên truyền đạt cho nhân viên cách đọc đúng về thương hiệu, như gắn với những âm tiết dễ nhớ ‘mê li nào ào ào…’ và để khác hàng nhớ về thương hiệu, cô chủ trẻ và nhân viên hãy kể lại cho khách hàng câu chuyện rất hay ở trên.”

Ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc Chiến lược thương hiệu của Richard Moore Associates cũng chia sẻ, tên thương hiệu khó đọc không phải là vấn đề, bởi có người nhớ tới những âm thanh và có những người lại nhớ bằng hình ảnh. Xây dựng thương hiệu bằng hình ảnh là một trong những xu hướng rất hiện đại.


Không thể “trộn” các phân khúc khách hàng

Mặc dù có chủ đề  là “Xây dựng thương hiệu để dẫn đầu” mặc, song tất cả các chuyên gia, doanh nhân, sinh viên… có mặt trong buổi Tọa đàm đều cho rằng, mục tiêu không phải là làm thế nào để dẫn đầu mà chính là phải làm sao lấy được tình yêu thương của khách hàng, của cộng đồng với thương hiệu mới thực sự thành công.

Đến với Tọa đàm này, các diễn giả đã phải thốt lên, phải lâu lắm rồi họ mới chứng kiến một buổi nói chuyện đông đến như thế. Mặc dù diễn ra vào buổi chiều muộn, song hội trường chứa trật ních người tham dự, không chỉ có sinh viên mà cả những bạn trẻ mới khởi nghiệp cũng có mặt. Các câu hỏi của họ đi vào những câu chuyện của chứa đựng những “hơi thở cuộc sống” và khiến các diễn giả không ít lần lúng túng.

Các bạn trẻ dường như đã làm chủ diễn đàn, một thanh niên khá trẻ với phong cách giản dị, gương mặt chất phát song cho biết mình là chủ thương hiệu Vietleather. Anh tìm đến đây để có cơ hội tiếp cận trực tiếp các chuyên gia về thương hiệu với mong muốn được tư vấn những giải pháp phát triển thương hiệu công ty.

Sau hai năm phát triển thành công ở phân khúc bán hàng bình dân thì công ty của người thanh niên này đã bắt đầu nhận thêm những đơn hàng ở phân khúc cao cấp và cơ hội xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.

Doanh nhân này băn khoăn, thương hiệu hiện tại của anh đang được khách hàng yêu mến và doanh số bán hàng đang gia tăng mạnh. Song nếu phát triển sản phẩm sang các phân khúc cao hơn hay để xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài thì liệu thương hiệu trên có được ưa chuộng, khi mà Việt Nam không phải là “thánh địa của đồ da cao cấp”.

Theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group of Companies, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo (VCE Club) cho rằng, thương hiệu Vietleather là một cái tên rất chung, chỉ địa danh Việt Nam và ngành nghề kinh doanh đồ da. Một cái tên như vậy không gây được ấn tượng đặc biệt là ở phân khúc khách hàng khó tính. Hơn nữa, một thương hiệu không thể cùng một lúc thỏa mãn được tất cả các phân khúc khách hàng.

“Sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài, thương hiệu có khả năng truyền tải được giá trị sản phẩm đồng thời đảm bảo giá trị đó không bị lẫn vào thương hiệu khác thì nên giữ, còn nếu không đạt được những yêu cầu đó thì doanh nghiệp cần phải xây dựng thương hiệu mới thay thế,” ông Vinh nói.

Một câu chuyện khác, bạn Hoàng Đình Trọng, kinh doanh trong lĩnh đào tạo đã làm hội trường rộ tiếng vỗ tay bởi những chia sẻ về những mặt hạn chế từ các cách đặt tên thương hiệu được áp dụng khá phổ biến bởi các doanh nghiệp nhỏ.

“Đặt tên người cho thương hiệu (như Bia hơi Hằng, Cơm Hải  Béo...) sẽ phải xây dựng thương hiệu rất lâu, đặt tên theo con vật (như Bia Hổ, Cơm Gấu…) cũng có yếu điểm là số lượng con vật hạn chế (không thể đặt một cái tên mâu thuẫn như Doanh nghiệp Vận tải con Rùa) hay đặt tên theo tính chất công việc (như May mặc Tốt, Thời trang Đẹp…), song nếu đặt tên thương hiệu như vậy nhưng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ không được tốt, được đẹp thì thương hiệu đó sẽ ra sao,” bạn Trọng dẫn chứng.

Bên cạnh đó, bạn Trọng cũng cho rằng thời gian đăng ký sở hữu trí tuệ lên tới cả năm là khá lâu, ảnh hưởng đến kế hoạch khởi nghiệp của các doanh nghiệp trẻ. Nếu họ bỏ chi phí ra xây dựng thương hiệu không nhỏ nhưng sau một năm bị Cục sở hữu công nghiệp từ chối cấp giấy phép thì sẽ rất rủi ro.

Tất cả các thắc mắc và câu chuyện của các bạn trẻ đã được các diễn giả tại buổi tọa đàm trao đổi cởi mở. Trước những vấn đề thực tiễn đó, các doanh nhân trẻ tương lai có thể khóc đấy, cười đấy song đâu đó đọng lại là sẽ những trải nghiệm hết sức thú vị đồng thời trở thành bài học khuôn mẫu trong xây dựng thương hiệu cho những ước mơ khởi nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục