Xây dựng thương hiệu toàn cầu cho hồ tiêu Việt

Với lợi thế chiếm 50% thị phần hồ tiêu xuất khẩu của thế giới, ngành hàng này đang chủ động điều tiết giá và xây thương hiệu toàn cầu.
Năm 2009, hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu với giá trị đạt mức cao nhất trong lịch sử. Với lợi thế chiếm 50% thị phần hồ tiêu xuất khẩu của thế giới, ngành hàng này đang chủ động điều tiết giá và xây dựng thương hiệu trên toàn cầu.

Xây dựng thương hiệu

Hồ tiêu là mặt hàng gia vị, lượng dùng của nó không nhiều so với các ngành hàng hóa khác. Bình quân một năm ngành hàng này xuất khẩu khoảng trên dưới 100.000 tấn.

Trong năm 2009, Việt Nam đã xuất khẩu đạt gần 134.300 tấn với tổng kim ngạch đạt khoảng 348 triệu USD. Hiện nay, hồ tiêu Việt Nam đã xây dựng được một thị trường trực tiếp mà không phải qua thị trường trung gian; và ảnh hưởng của nhà đầu cơ, nhà phân phối lại đã giảm đi rất nhiều.

Theo thống kê của Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, cả nước có 17 nhà máy chế biến hồ tiêu được trang bị tương đối tiên tiến với tổng công suất đạt 60.000 tấn/năm; trong đó, 10 nhà máy với công nghệ khá hiện đại, xử lý tiêu qua hơi nước, đạt tiêu chuẩn sản phẩm chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế (ASTA) ESA, Nhật Bản.

Đã có nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Ấn Độ, Hà Lan, Nhật Bản xây dựng nhà máy, thu mua, chế biến đa dạng nhiều mặt hàng tiêu tại Việt Nam và xuất khẩu đi nhiều quốc gia, góp phần tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị xuất khẩu, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp và người sản xuất.

Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam cũng đã xây dựng thành công và chuyển giao thương hiệu hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho địa phương khai thác. Đây là lần đầu tiên hồ tiêu Việt Nam có thương hiệu, đã và đang gây được tiếng vang trong nước và khách hàng quốc tế.

Thương hiệu hồ tiêu Chư Sê đã mở đầu cho thời kỳ chuyển từ sản xuất tự phát có nhiều hạn chế sang sản xuất theo canh tác hữu cơ, áp dụng quy trình GAP, thực hiện các tiến bộ khoa học công nghệ để tạo sản phẩm sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện nay, nhiều địa phương cũng đang xúc tiến xây dựng thương hiệu hồ tiêu và tiến tới xây dựng thương hiệu quốc gia chung cho hồ tiêu Việt Nam.

Cơ hội xuất khẩu lớn

Theo Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, từ năm 2003 đến nay, Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu hồ tiêu số một thế giới (chiếm trên 30% sản lượng và gần 50% thị phần xuất khẩu toàn cầu). Hồ tiêu Việt Nam đã được xuất khẩu tới trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, châu Á, Trung Đông..., hồ tiêu Việt Nam đã chiếm thị phần chi phối.

Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, quý 1/2010 Việt Nam đã xuất khẩu trên 28.000 tấn với tổng kim ngạch đạt 84,9 triệu USD, tăng 4,5% (tương đương với 1.216 tấn) về số lượng và tăng 29,6% (tương đương với 19,4 triệu USD) về giá trị so với cùng kỳ năm 2009.

Theo Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, giá tiêu xuất khẩu bình quân trong quý 1 tương đối cao, theo đó, tiêu đen ở mức 2.809 USD/tấn, tiêu trắng 3.949 USD/tấn, tăng 567 USD/tấn đối với tiêu đen, tăng 382 USD/tấn đối với tiêu trắng so với cùng kỳ năm 2009. Trong khi đó, giá hồ tiêu trong nước cũng ở mức cao, trên 50.000 đồng/kg, đã giúp người trồng tiêu có thu nhập cao.

Hơn nữa, theo báo cáo của Hiệp hội hồ tiêu Quốc tế (IPC), đến thời điểm này, Ấn Độ đã thu hoạch xong, kết quả sản lượng giảm đáng kể so với dự kiến đầu vụ.

Ấn Độ chỉ đạt khoảng 35.000-40.000 tấn so với kế hoạch dự kiến 55.000 tấn. Indonesia và Malaysia đến tháng 6, 7/2010 mới bắt đầu thu hoạch nhưng dự báo sản lượng cũng không mấy khả quan. Brazil bị hạn nặng từ đầu vụ nên các vườn tiêu suy giảm nặng, đầu tháng 4 mưa lũ lớn, chắc chắn năng suất, sản lượng sẽ giảm nhiều (thu hoạch vào cuối năm).

Trong khi đó, tại Việt Nam, sản lượng tuy có giảm hơn so với năm 2009 nhưng ước tính sản lượng tiêu đạt trên 90.000 tấn. Chính vì vậy, đây sẽ là cơ hội xuất khẩu lớn cho ngành hồ tiêu Việt Nam.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam cho rằng, với lợi thế trên, phải tập trung nâng cao chất lượng để thu hút và mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ hàng có chất lượng cao. Ngoài ra, cần làm tốt việc cung cấp và xử lý thông tin, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, khai thác tốt các thị trường có tiềm năng lớn như Trung Quốc, châu Phi, Tây Á.

Chủ động điều tiết giá


Ông Đỗ Hà Nam cho biết, hiện nay, Việt Nam có thể chủ động điều tiết giá bởi hầu hết các nước trên thế giới đều mua tiêu từ Việt Nam, sản lượng hồ tiêu Việt Nam lại đạt mức 50% sản lượng cung-cầu trên toàn cầu, cho nên chỉ cần Việt Nam giảm lượng bán ra sẽ làm rung động các hệ thống mua-bán về gia vị.

Với những diễn biến như vậy, người dân nhận ra nếu cùng đồng lòng với nhau, khi thị trường giá xuống thì tạm dừng bán, các nhà xuất khẩu và người nông dân biết phối hợp để tạo ra một sự cung cầu, một sự điều chỉnh.

"Vì vậy khi có sự đồng lòng cộng với sự điều tiết được hàng hóa bán ra thì chúng ta sẽ chủ động hơn trong việc điều tiết giá tiêu”, ông Nam nhấn mạnh.

Để giúp bình ổn và tăng giá xuất khẩu hồ tiêu trong điều kiện sản xuất quốc tế đang có biểu hiện suy thoái theo chu kỳ, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam đã có đề nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa sản xuất cây tiêu vào dự án Việt GAP từ năm 2010, đồng thời hỗ trợ xây dựng thương hiệu hồ tiêu cho các địa phương.

Mặt khác, Hiệp hội đề nghị được tham gia vào các kho ngoại quan tại những khu vực có tiêu dùng lớn như Trung Đông, Bắc Âu, Mỹ để có thể tận dụng thời cơ khi giá cả có lợi, hạn chế bán ra khi giá xuống.../.

Tuyết-Phương (Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục