Xây khu công nghiệp sinh thái cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức Hội thảo “Các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh, sức hút của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; xây dựng một số khu công nghiệp kiểu mẫu.”

Ngày 25/6, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức Hội thảo “Các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh, sức hút của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; xây dựng một số khu công nghiệp kiểu mẫu.”

Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà quản lý các ngành, lĩnh vực thuộc các cơ quan, ban ngành Trung ương; Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Ban tại Việt Nam (JICA) và Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh (JETRO HCM), Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), Cục Xúc tiến Thương mại Thái Lan và nhiều doanh nghiệp trong, ngoài nước.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Lê Tuấn Quốc cho biết thời gian qua tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh, sức thu hút của các khu công nghiệp trên địa bàn.

Trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với những lợi thế, tiềm năng hiện có, Bà Rịa-Vũng Tàu đang chủ động thúc đẩy việc tìm kiếm, hợp tác với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, thực hiện hợp tác phát triển trong khu vực, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tại hội thảo, ông Hirai Shinji, Giám đốc điều hành JETRO tại Thành phố Hồ Chí Minh thông tin cho biết, qua khảo sát, các doanh nghiệp Nhật Bản khi đến Việt Nam có 4 lo ngại lớn về việc rút ưu đãi (cụ thể là ưu đãi về thuế thu nhập các nhân); các loại thủ tục xin cấp phép rất phức tạp; thiếu điện năng và các dự án cơ sở hạ tầng chậm trễ.

Vì vậy, Việt Nam cũng như các địa phương cần lưu tâm đến 4 vấn đề trên để thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản trong thời gian tới.

Còn ông Shimizu Akira, Trưởng Văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, để tăng tính cạnh tranh và tính thu hút của các khu công nghiệp, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần phải có chiến lược phát triển công nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường và xây dựng mô hình khu công nghiệp sinh thái điển hình cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo ông Shimizu Akira, cơ quan quản lý Trung ương cần xây dựng chính sách đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý trong đó thể hiện rõ nhu cầu thực tế và các vấn đề tồn tại ở địa phương, ngược lại Bà Rịa-Vũng Tàu cần tăng cường tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương.

[Bà Rịa-Vũng Tàu cho phép mở lại đường bay tới Côn Đảo từ 24/4]

Bên cạnh đó, Bà Rịa-Vũng Tàu tăng cường cơ chế điều phối giữa các sở ngành liên quan và tận dụng nguồn hỗ trợ tài chính, kỹ thuật của các đối tác phát triển.

Ông Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý, tỉnh cần giảm dần các ngành công nghiệp không phải là thế mạnh, chiếm dụng nhiều đất, gây ô nhiễm; rà soát cơ cấu ngành, lĩnh vực trong các khu công nghiệp trên cơ sở các định chuẩn phát triển trong giai đoạn mới; thu hút dự án công nghệ cao từ các tập đoàn nằm trong top 500 thế giới; đồng thời xây dựng một vài khu công nghiệp chuyên biệt và chuyển đổi khu công nghiệp theo hướng khu công nghiệp sinh thái.

Tỉnh cũng cần chuyển hướng xúc tiến đầu tư từ quảng bá hội thảo, hội họp sang tiếp cận qua mạng với nhà đầu tư tiềm năng và khi doanh nghiệp quyết định đầu tư thì hỗ trợ quá trình nghiên cứu, triển khai dự án; bộ máy quản lý khu công nghiệp có thể chuyển trọng tâm sang hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án để đưa vào sản xuất, kinh doanh kịp thời.

Về kinh nghiệm thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp Thái Lan, ông Audisiti Sroithong, Tham tán Công sứ, Cục Xúc tiến đầu tư Thái Lan, Đại sứ quán Thái Lan cho biết Thái Lan thành lập các Trung tâm điều phối dịch vụ đầu tư (OSOS) để hợp nhất nhân viên từ nhiều cơ quan liên quan đến đầu tư, nhằm cung cấp thông tin và tư vấn toàn diện về việc thành lập hoạt động tại Thái Lan, cung cấp các đầu mối liên lạc quan trọng với các tổ chức nhà nước và tư nhân, hỗ trợ nhà đầu tư với các ứng dụng khác nhau.

Trong khi đó, ông Kim Kwan Mook-Tổng Giám đốc KOTRA Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, ở Hàn Quốc, các Khu kinh tế tự do (KFEZ) tiến hành chỉ định các nhà quản lý dự án riêng lẻ cho các nhà đầu tư đến từ nước ngoài, hỗ trợ tất cả các thủ tục đầu tư từ xem xét sơ bộ để đầu tư đến quản lý theo dõi.

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có 15 khu công nghiệp với tổng diện tích khu công nghiệp trên 8.510ha, tỷ lệ lấp đầy hơn 50% trên tổng số khu công nghiệp và 60% trên số khu công nghiệp đã hoàn thiện xây dựng hạ tầng (13 khu công nghiệp).

Đến nay, tỉnh có 439 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký quy đổi hơn 19,8 tỷ USD; trong đó, đầu tư trong nước là 207 dự án, vốn đầu tư hơn 99.000 tỷ đồng và 1,5 tỷ USD; đầu tư nước ngoài có 232 dự án đến từ 29 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới với tổng vốn đầu tư hơn 12 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục