Xây thí điểm hai cơ sở xử lý chất thải rắn ở Tây Ninh và Hải Phòng

Bộ Xây dựng vừa đề nghị Chính phủ phê duyệt các dự án thí điểm đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn đô thị và nông thôn, trong đó có hai dự án ở Tây Ninh và Hải Phòng.
Xây thí điểm hai cơ sở xử lý chất thải rắn ở Tây Ninh và Hải Phòng ảnh 1Một dây chuyền xử lý chất thải rắn. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Bộ Xây dựng vừa đề nghị Chính phủ phê duyệt các dự án thí điểm đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn đô thị và nông thôn, trong đó có hai dự án được trực tiếp đề cử.

Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải Tây Ninh (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) là một trong hai dự án được đề xuất thí điểm.

Đây là nhà máy này xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị, phù hợp với lượng phát thải chất thải rắn sinh hoạt đô thị loại 2, loại 3 và điều kiện địa hình, thổ nhưỡng, cây trồng ăn trái, cây công nghiệp, cây lấy gỗ với công suất thiết kế 150 tấn/ngày và có khả năng mở rộng lên 300 tấn/ngày.

Nhà máy được xây dựng trên diện tích đất 10ha, trong đó có 4ha cây xanh với nguồn vốn đầu tư gần 138 tỷ đồng và do nhà đầu tư trực tiếp quản lý, khai thác vận hành. Nhà máy sử dụng công nghệ sinh học, lên men hiếu khí tốc độ cao, sản phẩm sau xử lý là chế biến rác thải thành phân compost.

Dự án thứ hai là dự án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng.

Phương thức của nhà máy là xử lý tổng hợp chất thải rắn sinh hoạt nông thôn theo mô hình xã hội hóa với công suất 5-10 tấn/ngày, đủ xử lý cho một xã.

Nhà máy được xây dựng trên diện tích đất 2.000m2 do Hợp tác xã Môi trường và Dịch vụ Thương mại Thành Vinh làm chủ đầu tư với nguồn vốn dự kiến 5,5 tỷ đồng. Nhà đầu tư sẽ trực tiếp quản lý và khai thác vận hành dự án.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh, trong giai đoạn này, việc thực hiện các dự án thí điểm có ý nghĩa quan trọng nhằm bước đầu cụ thể hóa Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011-2020, góp phần vào mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Bên cạnh mục tiêu huy động mọi nguồn lực tham gia xử lý chất thải rắn, thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác quản lý chất thải rắn thì việc thực hiện các dự án thí điểm còn giúp đánh giá cụ thể hiệu quả của các công nghệ xử lý chất thải rắn trong nước. Đây sẽ là cơ sở để hoàn thiện, xây dựng một ngành công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp, đồng bộ và hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục