Xây thương hiệu mạnh

Khác nhiều vùng đất trồng chè khác trên cả nước, Thái Nguyên với nhiều thương hiệu như Tân Cương, La Bằng… lâu nay đã trở nên nổi tiếng, được người tiêu dùng đánh giá cao. Nhưng, nhiều người Thái Nguyên vẫn không quên nhắc nhở nhau rằng, có một vùng đất chè “trứ danh” trên quê hương của mình: Sông Cầu.

Những năm gần đây, nhờ vào sự chung sức của chính quyền, nhà khoa học cũng như người dân, chè Sông Cầu một thời vang bóng đang dần “sống lại” và vươn mình, dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

Những đồi chè xanh bát ngát tại thị trấn Sông Cầu. 
Những đồi chè xanh bát ngát tại thị trấn Sông Cầu. 

Mai một thương hiệu chè ‘trứ danh’

Nằm gần tuyến quốc lộ 1B từ Thái Nguyên đi Lạng Sơn, thị trấn Sông Cầu (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) được biết đến là nơi trồng chè đặc sản với sự ra đời của Nông trường Chè Sông Cầu, nay là công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Chè Sông Cầu.

Bà Vũ Thị Thương Huyền – Phó Chủ tịch Thị trấn Sông Cầu cho biết, địa phương này có diện tích 1.047 ha nhưng có đến 450 ha đất trồng chè. Sở dĩ diện tích trồng chè lớn như vậy bởi theo nghiên cứu, thổ nhưỡng nơi đây rất phù hợp với loại cây này.

Thị trấn nông trường Sông Cầu được ra đời từ những năm 60 của thế kỷ trước, vào thời mà nhà máy chè Sông Cầu được hình thành. Khi ấy, người dân thường trồng chè bán cho nông trường, chế biến xuất khẩu. 70% số hộ ở đây đã gắn bó với đồi chè nên có nhiều kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc và chế biến. Nhà máy chè Sông Cầu đã từng mang sản phẩm chè Thái Nguyên đến nhiều nước trên thế giới.

Đầu năm 2000, công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chè Sông Cầu làm ăn kém hiệu quả, gần như không thu mua chè của nông dân nữa. Từ đó, người Sông Cầu phải tự tìm tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Khó khăn, nhiều hộ bắt đầu chuyển đổi sang cây trồng khác. Sau khi loay hoay với việc trồng ngô, trồng vải và… đều không thành công, những người nông dân lại quay về với việc trồng chè.

Nhiều ngọn đồi bị “xẻ thịt
Nhiều ngọn đồi bị “xẻ thịt” khiến những người yêu cây chè cảm thấy đau lòng. 

Thế nhưng, những nương chè già cỗi vốn được chăm bón theo phương thức cũ nên không bán được giá cao, chỉ 50.000 đồng/cân chè thành phẩm.

Bà Huyền cho hay, hiện nay vùng chè Sông Cầu còn manh mún. Nhiều gia đình đã phá chè trồng keo, thậm chí một số hộ còn xẻ đồi khiến mạch nước ngầm bị phá vỡ làm cây chè không thể lớn nhanh.

Những năm gần đây, nhiều người đã đầu tư trồng chè, nhưng đầu ra của sản phẩm chưa tương xứng với sản lượng sản xuất hàng năm. Kết quả là, chè Sông Cầu bị tư thương ép giá, thương hiệu chưa tạo được độ phủ trên thị trường khiến cho sản phẩm dù đặc sắc nhưng chưa giúp người dân làm chè có thu nhập tốt.

Chè Sông Cầu bị tư thương ép giá, thương hiệu chưa tạo được độ phủ trên thị trường

Năm 2016, Hợp tác xã Chè Thịnh An được thành lập với các thành viên phần lớn thuộc thị trấn Sông Cầu. Mặc dù sản lượng và chất lượng đều tốt nhưng con đường đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước gặp rất nhiều khó khăn khi chè Thịnh An chưa xây dựng được thương hiệu, không có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. Thậm chí, Chè Thịnh An còn phải cạnh tranh với những thương hiệu khác như Tân Cương, Trại Cài, La Bằng… của tỉnh Thái Nguyên vốn đã “ăn sâu bám rễ” trên thị trường.

Khi người nông dân quanh năm “bán lưng cho trời, bán mặt cho chè” đang lao đao vì nghề trồng chè thì một niềm hy vọng mới được mở ra…

Đất chè ‘hồi sinh’

Bà Huyền bảo rằng, đầu năm 2017, Dự án Khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” giai đoan 2017-2019 do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên làm chủ dự án đã triển khai trồng chè theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 50 ha chè của thị trấn Sông Cầu.

Từ dự án, 250 hộ nông dân ở 6 xóm (Tân Tiến, Liên Cơ, Na Mao, xóm 4, xóm 7, xóm 9) đã được tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất chè an toàn, hỗ trợ 50% trị giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và được đảm bảo việc tiêu thụ.

  • 1thitra-1560229031-61.jpg
  • son4209-1560229044-41.jpg
  • 4nhung-1560229055-11.jpg
  • 7lache-1560229078-52.jpg
  • 20nhung-1560229108-86.jpg

Đây là dự án sản xuất chè an toàn nhằm xây dựng mô hình liên kết sản xuất, chế biến chè; ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác, cơ giới hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm làm nguyên liệu cho chế biến, có tổng kinh phí 12 tỷ đồng, thực hiện trong 3 năm, từ 2017-2019 và được triển khai tại 6 tỉnh gồm Thái Nguyên, Yên Bái, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Tuyên Quang, Lào Cai.

Mô hình liên kết giữa các hộ trong nhóm hộ, giữa các nhóm hộ với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè và áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất chất lượng, tăng thu nhập của người sản xuất chè trên 20% so với chè sản xuất ngoài mô hình tại địa phương.

Ông Nguyễn Đức Trọng, trưởng làng nghề xóm 9 Thị trấn Sông Cầu đang phơi những lá chè tươi xanh vừa mới hái. 
Ông Nguyễn Đức Trọng, trưởng làng nghề xóm 9 Thị trấn Sông Cầu đang phơi những lá chè tươi xanh vừa mới hái. 

Tham gia dự án, những người nông dân Sông Cầu được đi tham quan học hỏi kinh nghiệm tại một số vùng trồng chè nổi tiếng trên địa bàn Thái Nguyên và một vài tỉnh lân cận như Phú Thọ, Yên Bái…

Từ việc chỉ quen trồng với giống chè trung du, nhiều hộ đã bắt tay vào chuyển đổi cơ cấu giống, tạo ra một số giống chè cành đặc sản như LDP1, Bát Tiên, Kim Tuyên… để cung cấp cho thị trường với sản lượng chè 30 tấn/vụ, có giá dao động từ 130.000 đồng/kg – 500.000 đồng/kg.

Bà Vũ Thị Thương Huyền cho hay, hiện nay trên địa bàn đã có 4 xóm đã được công nhận là làng chè truyền thống (gồm xóm 5, xóm 9, xóm Tân Tiến, xóm Liên Cơ).

Từ dự án, người dân Sông Cầu đã dần thay đổi tư duy cũng như cách làm chè. Những người nông dân đã tuân thủ việc trồng, chăm sóc và chế biến chè theo quy trình sạch. Trong quá trình sản xuất, các hộ đều có cán bộ giám sát để đảm bảo chất lượng chè lúc thu hoạch.

Những người nông dân đã tuân thủ việc trồng, chăm sóc và chế biến chè theo quy trình sạch. Trong quá trình sản xuất, các hộ đều có cán bộ giám sát để đảm bảo chất lượng chè lúc thu hoạch.

Tại xóm 9 – Thị trấn Sông Cầu nơi người dân tích cực chuyển đổi từ phương pháp sản xuất chè truyền thống sang làm chè sạch, ông Nguyễn Đức Trọng, trưởng làng nghề chia sẻ: Bà con ở đây rất có ý thức trong việc chăm sóc diện tích chè của gia đình nên từ đầu năm đến cuối năm, lúc nào các nương chè cũng sạch sẽ, xanh tốt.

Với diện tích trên 70ha, người dân trong xóm đều đã thực hiện tốt cả quy trình từ trồng, chăm sóc đến thu hái, sao vò và lấy hương. Riêng gia đình ông Trọng vào đợt cao điểm mỗi tháng có thể sao được 4 tấn chè thành phẩm.

Các sản phẩm chè sạch của Sông Cầu đã lan tỏa đi khắp nơi. 
Các sản phẩm chè sạch của Sông Cầu đã lan tỏa đi khắp nơi. 

Ông Trọng cũng cho hay, những năm gần đây, ông cùng một số hộ dân tìm ra hướng đi mới bằng việc sản xuất chè matcha. Đây cũng là cách để nâng cao thu nhập cũng như khẳng định được thương hiệu chè Sông Cầu trên thị trường.

Bên cạnh Hợp tác xã chè Thịnh An đứng ra thu mua tiêu thụ sản phẩm cho bà con, giờ đây đã có một số hộ dân tìm được đầu mối tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo thu nhập kinh tế của gia đình. Các sản phẩm chè của xóm 9 đã lan tỏa đi khắp các tỉnh thành trên cả nước như Hà Nội, Hà Nam, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Bình Dương…

Làm gì để đưa thương hiệu chè Sông Cầu cất cánh?

Gần đây, người nông dân tại Sông Cầu tiếp tục nhận được sự góp sức của các nhà khoa học, chuyên gia… với kỳ vọng làm “sống lại” vùng đất chè trứ danh của Thái Nguyên.

Trong đó, Green Innovation Tour – Hành trình Sáng tạo Xanh, một trong những chương trình cộng đồng nhằm kết nối người nông dân với các chuyên gia, người tiêu dùng cũng như các cơ quan quản lý nhà nước đã chung tay với những người dân Sông Cầu.

Thương hiệu Trà Thịnh An được đóng gói bao bì khá đẹp mắt. 
Thương hiệu Trà Thịnh An được đóng gói bao bì khá đẹp mắt. 

Đầu tháng Sáu, một hội thảo Phát triển Thương hiệu Chè Sông Cầu do Trung tâm Ươm tạo và Sáng tạo FTU (Đại học Ngoại thương) phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thị trấn Sông Cầu, Công ty IPCom Việt Nam và Câu lạc bộ Sở hữu trí tuệ trường Đại học Ngoại thương tổ chức trên chính vùng đất chè.

Những người làm sự kiện mong muốn thay đổi cơ bản diện mạo vùng đất và phát huy thế mạnh nông nghiệp của địa phương từ cây chè, nâng cao thu nhập cho người nông dân và sản xuất theo hướng an toàn phát triển bền vững.

Các chuyên gia đã và đang góp sức cùng những người nông dân Sông Cầu để phát triển thương hiệu chè Thịnh An.
Các chuyên gia đã và đang góp sức cùng những người nông dân Sông Cầu để phát triển thương hiệu chè Thịnh An.

Tiến sỹ Trần Lê Hồng, Chánh Văn phòng Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ, chè Thịnh An rất ngon nhưng… không khác biệt. Theo ông Hồng, nếu người nông dân chỉ dừng ở việc trồng chè, làm ra sản phẩm ngon thì việc đưa sản phẩm đi khắp nơi rất khó khăn.

Ông Hồng cho rằng mấu chốt phải phát triển thương hiệu chè Sông Cầu, thương hiệu này phải gắn với con người, gắn với địa phương, văn hóa của Sông Cầu: “Phải học tập cách thức làm sản phẩm của người Nhật, tỉ mỉ, lo cho sức khỏe của người tiêu dùng. Từng con người phải nghĩ rằng ai đó dùng sản phẩm của mình ngon thôi là không đủ mà phải hạnh phúc. Ta phải tính đến sự phát triển thương hiệu để mọi người biết đến chè Sông Cầu. Sự đầu tư không phải một sớm một chiều, có thể vài năm vài chục năm. Và hơn hết, cần có sự đóng góp của bà con Sông Cầu để đưa sản phẩm ra bên ngoài.”

Mấu chốt phải phát triển thương hiệu chè Sông Cầu, thương hiệu này phải gắn với con người, gắn với địa phương, văn hóa của Sông Cầu

Tiến sỹ Trần Lê Hồng cũng đặt ra câu hỏi, tại sao chúng ta không có những quán trà với tên gọi Trà Đạo Thịnh An, Trà Đạo Sông Cầu giữa Hà Nội và các đô thị lớn? Nếu có, văn hóa trà sẽ được thể hiện, đây là một loại chè tốt, là một giá trị để người ta có thể tìm đến, mua về, biếu, mang ra nước ngoài.

Ông cũng gợi ý tới việc cần sử dụng thương mại điện tử, có trang web để khẳng định thương hiệu, cạnh tranh với các thương hiệu mạnh khác.

Cũng đồng tình với ý kiến trên, thạc sỹ Đặng Thanh Vân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn Thanhs cho biết, bà đã tự tìm hiểu và thấy một điều Trà Thịnh An đã bán trên các kênh thương mại điện tử thông qua các nhà phân phối, nhưng không có 1 bài viết nào về trà Thịnh An trên các kênh báo chí, truyền thông. Bà Vân cho rằng vấn đề mấu chốt ở đây là không có câu chuyện.

Vị chuyên gia này cho rằng, bao bì của sản phẩm trà Thịnh An nên chứa đựng rất nhiều thông tin đến với người tiêu dùng. Đó không chỉ là tên thương hiệu, ngày sản xuất, hướng dẫn sử dụng mà còn có thể lồng vào đó một câu chuyện hấp dẫn, truyền cảm hứng khiến người đọc quan tâm, tạo ra một sự lan truyền.

Nhiều người tin tưởng, một tương lai tươi sáng sẽ đến với những người trồng chè ở Sông Cầu...
Nhiều người tin tưởng, một tương lai tươi sáng sẽ đến với những người trồng chè ở Sông Cầu…

Tiến sỹ Nguyễn Thu Hạnh – Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển du lịch bền vững STde nhận định, thương hiệu chè Sông Cầu hay Thịnh An phải thay đổi tư duy để phát triển. Bà Hạnh cho biết, câu chuyện về thị trường, sản phẩm bây giờ rất khác so với 20 -30 năm về trước. Người tiêu dùng không chỉ dùng mỗi vị giác mà họ còn dùng cả thị giác, thính giác và xúc giác để thưởng thức và trải nghiệm. Chính vì vậy, người dân Sông Cầu phải nghiên cứu sản phẩm chè dưới góc nhìn đa dạng hơn để người tiêu dùng có cảm xúc lâu bền với một thương hiệu.

Người dân Sông Cầu phải nghiên cứu sản phẩm chè dưới góc nhìn đa dạng hơn để người tiêu dùng có cảm xúc lâu bền với một thương hiệu.

Bà Hạnh cũng nhấn mạnh, khai thác, phát triển du lịch nên là một hướng đi mới nâng cao thu nhập cũng như thay đổi diện mạo địa phương. “Sông Cầu có rất nhiều yếu tố để khai thác du lịch. Có những thứ chúng ta tưởng chừng như vô giá trị thì phải biến đổi để chúng trở nên có giá trị. Chúng ta phải quy hoạch lại vùng chè, lập đề án phát triển cây chè gắn với du lịch.”

Bà Vũ Thị Thương Huyền – Phó Chủ tịch Thị trấn Sông Cầu bày tỏ nguyện vọng biến vùng đất này không chỉ là một vùng sản xuất chè mà còn thành một địa điểm du lịch sinh thái trong tương lai. Bà cũng kỳ vọng, trong tương lai, cây chè không chỉ làm giàu cho người dân Sông Cầu mà có thể trở thành một nét văn hóa đặc trưng của Thái Nguyên./.