Xây Trung tâm lưu trữ Nhã nhạc cung đình Huế

Ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết đơn vị đang tiến hành xây dựng, hình thành Trung tâm tâm lưu trữ Nhã nhạc cung đình Huế nhằm phục vụ công việc sưu tầm, bảo tồn và nghiên cứu lâu dài về loại hình âm nhạc này.

Ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết đơn vị đang tiến hành xây dựng, hình thành Trung tâm tâm lưu trữ Nhã nhạc cung đình Huế nhằm phục vụ công việc sưu tầm, bảo tồn và nghiên cứu lâu dài về loại hình âm nhạc này.

Sau 5 năm Nhã nhạc Huế được công nhận là Di sản Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại (từ 2003 đến nay), đặc biệt sau khi Nhã nhạc cung đình Huế được tiếp sức bằng một dự án bảo tồn của UNESCO, đến nay, Trung tâm đã xử lý, sao chép và hệ thống hóa hơn 1.000 trang tài liệu liên quan, 100 đầu sách tham khảo, hơn 300 ảnh tư liệu và chụp điền dã.

Ngoài ra, Trung tâm cũng đã dịch và hệ thống hóa gần 200 trang tư liệu tiếng Anh và tiếng Trung Quốc sang tiếng Việt, 100 băng đĩa ghi âm và ghi hình điền dã với thời lượng khoảng 40 giờ.


Trung tâm bổ sung nhiều tư liệu, văn bản và hình tiếng liên quan đến âm nhạc truyền thống Việt Nam và các nước đồng văn Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Một số nhà nghiên cứu văn hóa có tên tuổi như Giáo sư-Tiến sĩ Trần Văn Khê, Giáo sư-Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh, Tiến sĩ Văn Thị Minh Hương, Giáo sư-Tiến sĩ Osihino Yoshiru, Tiến sĩ OShino Satomi đã có nhiều đóng góp cho việc nghiên cứu, sưu tầm và bổ sung các tư liệu quý về Nhã nhạc cung đình Huế.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang tiếp tục nghiên cứu, chuyển biên các bài bản của Nhã nhạc Huế; đặc biệt là việc chuyển biên ra hệ thống ký âm phương Tây để tăng cường khả năng quảng bá, giúp đông đảo công chúng có thể dễ dàng tiếp nhận hơn với nhã nhạc.


Các hoạt động khác như nghiên cứu phục hồi thêm một số bài bản tiêu biểu của nhã nhạc, trang phục của vũ công, nhạc công cùng với nhạc khí nhằm phát huy giá trị của Nhã nhạc cung đình Huế; riêng bộ hồ sơ khoa học Thái Bình cổ nhạc gồm 2 giai đoạn có tới 140 trang viết và hơn 500 trang phụ lục.

Năm 2008, Trung tâm đã phối hợp với nhà nghiên cứu Trịnh Bách phục hồi 128 áo mão cho vũ công Bát dật gồm 64 áo mão Giao lĩnh Bát dật Văn và 64 áo mão Trấn thủ Bát dật Võ; và 30 áo Đại nhạc và Tiểu nhạc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục