Hay nhưng vẫn tiếc

Xem "Chủ tịch tỉnh": Rằng hay thì thật là hay...

Phim "Chủ tịch tỉnh" đang gây chú ý của khán giả màn ảnh nhỏ. Phim có nội dung hay nhưng khi xem vẫn đọng lại những nuối tiếc...
Trên kênh VTV1 của Đài truyền hình Việt Nam đang chiếu bộ phim "Chủ tịch tỉnh" vào giờ vàng của ba tối đầu tuần. Công bằng mà nói phim này đang gây chú ý của đông đảo khán giả màn ảnh nhỏ. Bộ phim đặt vấn đề không mới nhưng cách tạo tình huống từ đầu đã khiến người xem bị cuốn vào.

Không ít người khen dàn diễn viên của phim rất "đều" và có nghề. Cái nịnh của Đức Khuê, vai Trung, cái dễ thương của Thanh Hoa vai Kim, cái khôn khéo, ghê gớm của Minh Hòa trong vai Hằng, Minh Hằng trong vai Lý... đã được diễn rất sinh động.

Mặc dù chưa bạo dạn giao nhân vật cho dàn diễn viên mới nhưng đạo diễn của phim "Chủ tịch tỉnh" Bùi Huy Thuần đã quyết định đúng khi thực tế đã chính minh: dòng phim chính luận cần những diễn viên gạo cội, có tài diễn xuất... nhà nghề.

Tuy nhiên có thể thấy một số điểm còn chưa hợp lý trong bộ phim này. Theo tìm hiểu của phóng viên với các khán giả rất quan tâm và như đang "sống" cùng các nhân vật trong phim thì có thể ghi lại một số điểm chưa thật hợp lý của bộ phim.

"Còn nương nhẹ và bỏ lửng?"


Theo chị Phương, một khán giả ở Hà Nội vốn "trung thành" chờ giờ từng tập phim lên sóng: "Ông Sính- chủ tịch tỉnh  Đông Giang có thâm niên và uy tín, bỗng bị tai nạn máy bay khiến cho nhiều việc không ai ngờ đã bỗng chốc được phơi bày với khán giả xem phim. Ông chủ tịch tỉnh này không thanh liêm như nhiều người nghĩ, cũng không thủy chung như vợ con và những người quen của ông ta tưởng."

"Nhưng các tác giả đã không biến ông Sính thành nhân nhân vật 'phản diện' mà có vẻ như cảm thông với 'đời tư' và sự đa mang của ông. Sự nương nhẹ của lãnh đạo tỉnh này trong việc làm sáng tỏ số tài sản mà đồng lương chắc chắn không thể mang lại cho ông cũng là một cách xuê xoa nào đó. Một câu chuyện bắt đầu khá day dứt bỗng trở nên 'lãng xẹt.' Hay tác giả và đạo diễn đã nương nhẹ và bỏ lửng vấn đề?" chị Phương nói.

Vẫn lý tưởng hóa

Anh Thắng, giáo viên trung học phổ thông công nhận sự lôi cuốn của bộ phim: "Tôi cho rằng đây là bộ phim thú vị và đặt ra những vấn đề rất thời sự như nạn chạy chức chạy quyền. Đồng thời bộ phim cũng đưa ra những cái nhìn khách quan rằng cuộc sống này có người bị tha hóa nhưng vẫn có những người mẫu mực đáng trân trọng như ông Tuyến- Bí thư tỉnh ủy và ông Trí Tuệ tân Chủ tịch tỉnh."

Cũng từ cảm nhận phim còn đưa đến những người tốt để "tin yêu cuộc đời" thì vẫn có đôi điều gây băn khoăn như chị Hương, một cán bộ phụ nữ nói: "Nếu như ông Tuyến có 'gót chân Asin' là đứa con gái hư hỏng, trác táng thì ông Trí Tuệ là nhân vật được vẫn theo kiểu lý tưởng hóa ngày trước. Nhân vật được "mài sáng" đến phi thực tế. Công việc thuận lợi, vợ hiền, con ngoan. Đường công danh bất ngờ sáng lạn..."

"Nghệ sĩ Phạm Cường đã làm cho người ta thấy cảm giác tin cậy với vị chủ tịch tỉnh này. Tuy nhiên nếu phim đưa ra mở đầu về một sự đa diện của một cuộc đời, lại tiếp nối bằng sự 'nhất quán' đến như 'căng dây, kẻ chỉ' cho một con người khác kế nhiệm thì xem ra hơi thiếu thực tế. Sự cứng nhắc của người chủ tịch tỉnh này làm thỏa mãn người xem vì đang ghét những mưu mô làm ăn xảo trá lắt léo nhưng lại có vẻ thiếu thuyết phục của một người lãnh đạo mới thiếu quan tâm đến sự đồng thuận chung," chị Hương phân tích.

Có chỗ chưa hợp logic đời sống


Còn một khán giả có những trải nghiệm đời sống thì nhất quyết cho rằng không có chuyện nhân vật cô gái trẻ tên là Kim nhân hậu đến đáng quý khi sẵn sàng từ thành phố về quê lao vào bếp làm cơm, sẻ chia với chồng chưa cưới cả việc "vợ nọ con kia" của bố chồng...Và Kim lại là con của một người mẹ như bà Nguyệt, một mối chuyên móc nối, "buôn" địa vị, chạy dự án và sống bằng đầu cơ và chuyên tâm... hưởng thụ sang giàu.

Cũng khán giả này nêu việc con gái ông Tuyến-Bí thư tỉnh ủy đã là cán bộ mà đi nhảy thâu đêm suốt sáng như tuổi teen. Khi có thai về ngang nhiên công khai quát mẹ mua khế có vẻ không mấy hợp với "nếp nhà" có người cha vốn khuôn phép. Con ông cán bộ liêm khiết nào cũng có thể hư nhưng nếu tinh tế hơn thì các nhà làm phim cũng có thể chọn "kiểu hư" phù hợp hơn. Vì con người ít nhiều  cũng có ảnh hưởng của hoàn cảnh từ tuổi thơ."

Và vẫn còn sạn...

Ai cũng biết nếu tìm nhặt sạn thì phim truyền hình Việt Nam sẽ không tránh khỏi một phép liệt kê dài những lỗi nhưng xét thấy cũng nên nêu để các nhà làm phim rút kinh nghiệm. Từ việc các nhân vật đánh golf trông thật kỳ khôi đến các chiến sĩ cảnh sát điều tra như diễn kịch.

Đặc biệt, có cô nhà báo Bình (Vi Cầm thể hiện) đi tác nghiệp chỉ phỏng vấn mấy câu đơn giản đã được chủ tịch tỉnh Trí Tuệ khen hết lời. Tòa soạn báo thì không hề có không khí báo chí, chỉ có ba nhận vật trong phòng khá trống. Tổng biên tập gọi lên giao việc cũng là lạ. Vừa giao việc cho phóng viên vừa ra ngóng ở một cửa sổ (đã đóng). Trong tòa soạn chỉ có nhà báo Bình năng động còn hai cô đồng nghiệp không có điểm gì giống người làm báo...

Với Ngọc Trang, một khán giả trẻ ở Hà Nội thì: "Phim này không có thế hệ của chúng em. Ông bà, cha mẹ xem nên em xem theo mà không thấy người cùng lứa với mình." Khi phóng viên giải thích đây là loại phim chính luận thì Trang nói: Phim truyền hình phải làm cho nhiều người xem chứ ạ! Em cháu thì gặp cảnh hôn nhau, lên giường nhiều quá của những người... ngoại tình thì thật chả hợp tý nào. Ngay cháu học lớp 12 rồi mà thấy cũng ngài ngại...

Trên đây, chỉ là một số ý kiến xuất phát từ mong muốn về một bộ phim hoàn hảo hơn, chứng tỏ bộ phim "Chủ tịch tỉnh" đã gây được dư luận và đang được người xem đón nhận. Hy vọng các nhà làm phim truyền hình lắng nghe ý kiến của khán giả cho những bộ phim "giờ vàng" để có được "chất lượng vàng."./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục