"Hot boy nổi loạn"

Xem "Hot boy nổi loạn": Từ tò mò tới sự đồng cảm

Đằng sau sự tò mò bởi cái tên phim dài dằng dặc thì có thể người xem sẽ đồng cảm với những thân phận sống ở dưới đáy xã hội.

Ắt hẳn nhiều người sẽ đến rạp xem “Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt” vì tò mò bởi cái tên dài dằng dặc chưa từng có trong lịch sử điện ảnh Việt Nam. Hoặc tò mò vì đây là một dự án mới và khác lạ của cặp bài trùng “Vũ Ngọc Đãng – Lương Mạnh Hải” sau những “cổ tích truyền hình” như “Tuyết miền nhiệt đới” hay “Bỗng dưng muốn khóc.”

Nhưng sau sự tò mò thì có thể là đồng cảm với thân phận của những nhân vật, hay nói đúng hơn là thân phận sống ở dưới đáy xã hội.

Trần trụi như cuộc sống

Đó là những người đồng tính, không được gia đình và xã hội chấp nhận để rồi bị đẩy vào những cái bẫy mà dường như đã trở thành mẫu số chung cho họ, một cuộc sống không có lối thoát (hot boy nổi loạn).

Đó là một anh chàng câm, thiểu năng làm nghề nhặt rác mà ta có thể gặp bất cứ nơi đâu trên hè phố (thằng cười); một cô gái điếm quá thì, bị đẩy ra đứng đường, cùng nhân vật con vịt, được sinh ra từ quả trứng do thằng cười tự ấp.

Mà con vịt đó chính là hình ảnh ẩn dụ thú vị, vừa lý giải cảnh ngộ của cô gái điếm, vừa biểu trưng cho số phận nổi trôi của những con người sống trong bóng tối, khuất sau những ánh đèn hào nhoáng của Sài Gòn sôi động.

Như thế, cái tên dài dằng dặc đã giới thiệu khái quát những tuyến nhân vật mà bộ phim đề cập tới, chứ không hẳn là cách câu khách như những lời võ đoán trước khi phim ra mắt.

Tương tự, những ý kiến cho rằng bộ phim đã bôi đen cuộc sống cũng là một sự suy diễn đã trở nên lỗi thời. Cách đây 16 năm, bộ phim "Xích lô” của Trần Anh Hùng cũng đã từng chịu cách nhìn áp đặt phiến diện như thế. Nhưng thời gian đã chứng minh rằng ấy là tác phẩm có giá trị với con mắt hiện thực.

Người viết không có ý so sánh “Hot boy nổi loạn…” (với cái tên cực dài) với “Xích lô” (cái tên cực ngắn). Nhưng rõ ràng, bộ phim của Vũ Ngọc Đãng cũng cần được nhìn nhận một cách công bằng và khách quan, mà nếu nhìn vào qua tựa tiếng Anh (Lost in Paradise, tạm dịch là Lạc lối ở thiên đường) thì có lẽ nhiều người sẽ thấy hợp lý hơn.

Bởi những thân phận trong phim đều có điểm chung là tìm đến Sài Gòn như là một miền đất hứa, nhưng rồi tất cả đều vỡ mộng bởi không thể thoát khỏi mặt trái nghiệt ngã của cuộc sống đô thị có quá nhiều vòng xoáy.

Tuy vậy, nếu chọn một cái tựa tròn trịa kiểu “Lạc lối ở thiên đường” cho phiên bản chiếu trong nước thì đó cũng chưa hẳn là một lựa chọn hay. Bởi để lột tả sự trần trụi của cuộc sống thì đôi khi cũng cần đến một cái tựa “trần trụi” như cuộc sống vốn có.

Từ mò tới đồng cảm

Trở lại với những thông điệp mà bộ phim chuyển tải, “Hot boy nổi loạn…” cũng không phải là bộ phim Việt Nam đầu tiên nói về đề tài đồng tính, cũng không phải là bộ phim đầu tiên nói về thân phận của những cô gái điếm.

Vài năm trước, “Trai nhảy” của Lê Hoàng cũng từng đề cập tới chủ đề gai góc này. Nhưng “Trai nhảy” mới chỉ chạm vào cái vỏ bên ngoài, và người xem có chút cảm giác phim đang bỡn cợt như tính cách của vị đạo diễn này.

Nhưng ở “Hot boy nổi loạn…” thì đó là sự đồng cảm thực sự. Nhiều người xem đã sốc, rồi “ố,” “á” trước mỗi cảnh quay nhạy cảm. Nhưng cái đọng lại sau đó là những bi kịch nội tâm, nỗi giằng xé của các nhân vật nam đồng tính, của Lam, của Khôi, của Long hay kể cả của Đông.

Chi tiết Lam bảo vệ “người yêu,” không muốn Khôi dấn vào con đường đĩ đực mà anh nói rằng “đã bước chân vào thì không ra nổi;” cảnh Lam vừa chạy vừa khóc vì không ngăn được Khôi đi khách, hay cảnh Khôi chia tay Lam đã đưa đến cho người xem suy nghĩ, rằng tình yêu của những người đồng tính cũng cần được đối xử bình đẳng như tình yêu trai gái.

Có thể, những lời khuyên nhủ mà Khôi nói với Lam trước lúc chia tay cũng mang tính “tuyên ngôn” như nhiều bộ phim Việt Nam vẫn mắc phải. Nhưng kịch tính của phim, cùng diễn xuất của các diễn viên đã khiến những câu thoại đó trở nên tự nhiên, bởi đó là tiếng lòng nhân vật, được bật ra từ sự bế tắc. Đấy có thể được coi là thành công của đạo diễn, nhất là khi không cần đến cốt truyện, đạo diễn cũng có thể chạm được vào cảm xúc của người xem.

Một thành công đáng kể khác của Vũ Ngọc Đãng là khâu chọn diễn viên, vừa vặn và phù hợp với nhân vật, thậm chí là tái phát hiện những diễn viên tưởng như đã rập khuôn vào những những loại vai quen thuộc đến mức nhàm chán trước đó. Lương Mạnh Hải không còn là một công tử ẻo lả như Nam của “Bỗng dưng muốn khóc,” mà góc cạnh “đến muốn khóc.” Chỉ có người lần đầu chạm ngõ điện ảnh như Hồ Vĩnh Khoa mới có cái vẻ ngây thơ, chân thật đúng như Khôi lần đầu bỏ quê lên thành phố. Linh Sơn đểu giả rất... đàn ông, còn Phương Thanh thực sự hóa thân vào nhân vật xù xì như giọng hát khàn khàn của cô.

Hiếu Hiền và Phương Thanh trong "Hot boy nổi loạn" (Nguồn: BHD)

Một bất ngờ thú vị khác là Hiếu Hiền, với vai diễn “thằng câm” mà đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho là đặc biệt nhất trên màn ảnh Việt Nam nhiều năm qua, khi cả phim chỉ nói đúng 2 câu là “cạp, cạp, cạp” và “cáp, cáp, cáp.” Nhưng ẩn chứa bên trong bộ dạng ngây ngô ấy là một tâm hồn sâu thẳm, mà có lẽ chỉ có cô gái điếm và con vịt mới là người thấu hiểu.

Dĩ nhiên, bộ phim vẫn còn đây đó những khiếm khuyết, chẳng hạn như đôi khi quá đắm đuối vào tuyến nhân vật này làm người xem ngỡ như tuyến nhân vật kia bị bỏ quên (Lương Mạnh Hải tiết lộ kịch bản ban đầu của Vũ Ngọc Đãng chỉ có thằng cười và cô gái điếm, còn phần về hot boy thì do Hải viết). Tuy nhiên, nhưng mạch cảm xúc thì luôn được giữ nguyên vẹn. Những tình huống hài không làm rẻ bộ phim, mà cần có để gia giảm, giữ thăng bằng cho khán giả khỏi cái ngột ngạt của cuộc sống ở dưới đáy xã hội.

Và điều quan trọng nữa là, bộ phim không hề bôi đen hiện thực như một số suy diễn, khi kết thúc bằng cảnh Khôi đi lên cầu, phía sau là một con lộ rộng thênh thanh, cùng lời đề dẫn ngụ ý nhân vật có đủ bản lĩnh để thoát khỏi bi kịch của người đồng tính, trở về với gia đình và đang ôn thi đại học!

Cái kết ấy quả có hơi giáo điều, nhưng dường như cần có ở một xã hội mà những định kiến về người đồng tính vẫn còn khá nặng nề...

 
 Phim “Hot boy nổi loạn, thằng cười, cô gái điếm và con vịt” có tựa tiếng Anh là “Lost in Paradise,” do BHD sản xuất, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, kịch bản Vũ Ngọc Đãng – Lương Mạnh Hải. Các diễn viên chính trong phim gồm Lương Mạnh Hải, Hồ Vĩnh Khoa, Hiếu Hiền, Phương Thanh, Linh Sơn. Phim đã được mời tham dự Liên hoan phim quốc tế Toronto tổ chức tại Canada hồi tháng Chín vừa qua, đồng thời được Fortissimo Films mua bản quyền phát hành ở nước ngoài. Phim công chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ 14/10.


Trailer của "Hot boy nổi loạn":


Thùy Vy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục