Xem "Nhà của Phái" tại hội chợ ở Hongkong

Lần đầu tiên, Việt Nam có một đơn vị đặc biệt tham gia một hội chợ cũng rất đặc biệt. Đó là Nhà của Phái (tên gọi thân mật ngôi nhà của gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái) với Hội chợ Mỹ thuật và đồ cổ quốc tế châu Á (AIAA) lần thứ 4 tổ chức vào cuối tháng 5/2009 tại Trung tâm Triển lãm châu Á của Hongkong (Trung Quốc)

Lần đầu tiên, Việt Nam có một đơn vị đặc biệt tham gia một hội chợ cũng rất đặc biệt. Đó là Nhà của Phái (tên gọi thân mật ngôi nhà của gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái) với Hội chợ Mỹ thuật và đồ cổ quốc tế châu Á (AIAA) lần thứ 4 tổ chức vào cuối tháng 5/2009 tại Trung tâm Triển lãm châu Á của Hongkong (Trung Quốc)
 
Gian hàng tranh của “Phai’s House”
 
Tổ chức mỗi năm một lần, AIAA có tuổi đời còn khá trẻ nhưng đang ngày càng có uy tín trong giới mỹ thuật thế giới và đã trở thành một sân chơi lớn để các gallery, các nhà sưu tập gặp gỡ, trao đổi, mua bán những tác phẩm hội họa giá trị.
 
Chính vì thế, dù kinh tế thế giới đang lao đao khiến thị trường mỹ thuật cũng chịu nhiều ảnh hưởng, AIAA năm nay vẫn thu hút sự hiện diện đông đảo của hàng trăm nhà triển lãm đến từ Trung Quốc đại lục, Hongkong (Trung Quốc), Mỹ, Italy, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Nepan, Australia, Đài Loan (Trung Quốc)... Họ mang đến hội chợ hàng nghìn các tác phẩm hội họa, mỹ thuật, đồ cổ quý hiếm.
 
Đây cũng là một hội chợ thật đặc biệt với lực lượng an ninh dày đặc, kiểm tra khá chặt chẽ khách tham quan bởi các món hàng trưng bày tại đây có những đồ vật giá trị lên tới hàng trăm nghìn, hàng triệu USD!
 
Không khó để tìm đến gian hàng Nhà của Phái (tên tiếng Anh tại Hội chợ này là Phai’s House Company). Mặc dù nằm ở góc khuất song gian hàng này rất được quan tâm bởi đây là lần đầu tiên, AIAA đón chào một nhà triển lãm đến từ Việt Nam.
 
Đặc biệt, bên cạnh những tác phẩm của mình, họa sĩ Bùi Thanh Phương còn đem đến một bức họa nổi tiếng của người cha, cố họa sĩ Bùi Xuân Phái. Bức tranh Hồ Gươm, một trong những bức tranh lớn khổ 90x90cm khá hiếm của Bùi Xuân Phái, được treo trang trọng chính giữa gian hàng. Ngay phía dưới là giấy chứng nhận của gia đình họa sĩ khẳng định độ “thật” của bức tranh. Đây là điều mà các nhà sưu tập quan tâm nhất bởi thời gian qua, đã có không ít trường hợp tranh giả của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái được bán mua rộng rãi.
 
Họa sĩ Bùi Thanh Phương tâm sự: “Lần tham gia hội chợ này thật thú vị. Tôi đã học hỏi được nhiều điều. Tôi đã từng tham gia nhiều triển lãm quốc tế nhưng đây là lần đầu tiên đến với một hội chợ mỹ thuật như vậy.”
 
Bài toán… phi lợi nhuận
 
“Đem chuông đi đánh xứ người, nó kêu to là mình khoái rồi,” họa sĩ Bùi Thanh Phương sảng khoái bộc bạch.
 
Anh khẳng định: “Thật hào hứng khi cái tên Phai’s House Company được góp mặt cùng một sân chơi với rất nhiều các gallery, các nhà sưu tập lớn khác trong khu vực. Họ biết đến mình và ngược lại, mình cũng tìm hiểu thêm được các xu hướng, trào lưu mới của thị trường mỹ thuật đương đại châu Á nói riêng và thế giới nói chung. Đó là cái lợi lớn nhất khi tham gia các hoạt động như của AIAA."
 
Và anh cho rằng mỹ thuật Việt Nam cần tích cực hơn nữa trong xu thế hòa nhập này: "Chúng ta có những danh họa lớn, những tác phẩm có tiếng trên thị trường mỹ thuật châu Á. Không chỉ trong quá khứ mà bây giờ, mỹ thuật đương đại Việt Nam cũng không thiếu những tài năng. Nhưng chúng ta còn dè dặt quá trong cuộc chơi chung."
 
Một phần lý do vì đây là cuộc chơi khá tốn kém. Để có một gian hàng chỉ rộng 9 mét vuông như ở AIAA này, giá thuê đã lên xấp xỉ 5.000 USD. Cộng thêm chi phí vé máy bay, ăn ở khách sạn cho cả đoàn (cước phí vận chuyển tranh được Vietnam Airlines hỗ trợ), in ấn tài liệu, đầu tư cho một lần tham dự hội chợ như vậy cũng lên đến cả chục nghìn USD.
 
Họa sĩ Bùi Thanh Phương cười: “Nếu nghĩ đến lợi nhuận, chắc chắn sẽ đắn đo nhiều khi quyết định. Bởi để lo đủ chi phí như vậy, ngay tại hội chợ trung bình doanh thu bán hàng phải đạt cỡ 50.000 USD trở lên. Trong thời điểm kinh tế thế giới khủng hoảng như hiện nay, thị trường mỹ thuật cũng chịu ảnh hưởng lây. Thế nhưng, tham gia hội chợ, không bán được thì... đổi."
 
Anh còn tiết lộ: “Một loạt các gian hàng xung quanh đã đến đề nghị sau khi kết thúc hội chợ, các bên sẽ tiến hành đổi tranh cho nhau. Mình thấy đây cũng là hình thức giao lưu thú vị và tranh của họ cũng rất đẹp, giá trị. Và điều quan trọng hơn, qua hội chợ lần này, Phai’s House Company tìm được không ít đối tác, họ là những nhà sưu tập tiềm năng quan tâm đến mỹ thuật Việt Nam”.
 
Minh chứng cho thành công đó là bản hợp đồng vào phút chót trước khi hội chợ đóng cửa giữa Nhà của Phái với một đối tác Hàn Quốc. Họ đã đến ngắm nghía bức tranh Hồ Gươm từ ngày khai mạc rồi không ít lần quay lại thuyết phục họa sĩ Bùi Thanh Phương bán lại tác phẩm của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái này. Mặc dù rất nuối tiếc, cuối cùng, anh cũng đồng ý bán.
 
Bên cạnh đó, đối tác Hàn Quốc cũng quan tâm đặc biệt đến những bức tranh của họa sĩ Bùi Thanh Phương và sẽ chọn lựa khoảng 30 tác phẩm của anh để tiến hành một cuộc triển lãm tại Seoul vào tháng 11 tới./.
 
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục