Xem xét kiến nghị xung quanh tính tăng giá điện

Sau khi Thông tư về giá bán điện năm 2009 được ban hành, hầu hết các ý kiến đều đồng tình với chủ trương của Chính phủ về việc tăng giá bán điện. Tuy nhiên, vẫn còn không ít băn khoăn về cách tính cụ thể trong những trường hợp cụ thể, nhất là cách tính của ngành điện về giờ cao điểm.

Sau khi Thông tư về giá bán điện năm 2009 được ban hành, hầu hết các ý kiến đều đồng tình với chủ trương của Chính phủ về việc tăng giá bán điện. Tuy nhiên, vẫn còn không ít băn khoăn về cách tính cụ thể trong những trường hợp cụ thể, nhất là cách tính của ngành điện về giờ cao điểm.

EVN "lách" tăng giá

Theo Bộ Công Thương, việc tăng giá điện lần này không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất kinh doanh. Điện sản xuất tăng khoảng 6-7,5% năm 2009, chi phí các ngành sản xuất ca ba sẽ tăng khoảng 3-4%. Các ngành còn lại chi phí đội thêm khoảng dưới 1%.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết trước đây, Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ quy định giờ cao điểm vào ban đêm từ 6 giờ chiều đến 10 giờ tối, nhưng nay biểu giá điện mới quy định thêm giờ cao điểm ban đêm sớm hơn trước 1 giờ (từ 5-8 giờ tối). Với cách tính mới, các quãng thời gian trên được đưa vào là giờ cao điểm với mức giá điện tăng gấp đôi so với giờ bình thường thì giá điện sẽ không phải tăng 8,92% như công bố mà phải tăng trên 10%.

Các doanh nghiệp cho rằng EVN đã “lách” rất giỏi trong việc tăng giá này. Với việc tăng giá điện như vậy, chắc chắn doanh nghiệp sẽ xem xét tính toán đưa vào cơ cấu giá thành để tăng giá sản phẩm lên. Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất ôtô nhẩm tính với cách tính tiền điện theo giờ cao điểm như hiện nay, tổng số tiền điện hàng tháng công ty phải trả lên tới 300-400 triệu đồng, tăng lên khoảng 10%. 
Do vậy, thay vì sản xuất 24/24 giờ như trước, thì công ty phải cắt bớt một ca sản xuất vào giờ cao điểm.

Giải quyết từng trường hợp cụ thể?

Chia sẻ những khó khăn cùng với doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ Công Thương đã tổ chức các buổi khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh ở các địa phương.

Qua các buổi làm việc, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu cho rằng, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, việc điều chỉnh giá điện là không thể chậm hơn. Bởi lẽ, cách đây 10 năm điện được bán với giá 6 cent/kWh nhưng đến trước 1/3/2009 giá điện chỉ còn 5,4 cent/kWh. Nếu không tăng giá sẽ không khuyến khích đầu tư và điện có thể sẽ thiếu trầm trọng trong tương lai. Như vậy, sẽ không tạo ra thị trường điện cạnh tranh và người dân khó có cơ hội dùng sản phẩm chất lượng.

Cũng theo Thứ trưởng Bùi Xuân Khu, việc áp dụng giá điện mới được thống nhất trên toàn quốc và đã được cân nhắc kỹ nên không thay đổi. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nếu các doanh nghiệp tính toán thấy việc áp dụng giá điện vào giờ cao điểm, thấp điểm với cách tính chưa phù hợp thì có thể kiến nghị lên Bộ Công Thương để xem xét từng trường hợp cụ thể.

Thứ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp, các cơ quan phải giám sát và lập biên bản đối với những trường hợp cắt điện không báo trước, gây phiền hà, vòi vĩnh doanh nghiệp. Bộ sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để có những điều chỉnh cho phù hợp./.

(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục