Xét nghiệm máu phát hiện ung thư phổi

Phát hiện ung thư phổi bằng phương pháp xét nghiệm máu là một hướng nghiên cứu rất mới, được các nhà nghiên cứu  Mỹ theo đuổi.
Phát hiện ung thư phổi bằng phương pháp xét nghiệm máu là một hướng nghiên cứu rất mới, được các nhà nghiên cứu của trường đại học Pensylvania, Mỹ theo đuổi và đã được Giáo sư Anil Vachani trình bày hồi tháng 5 vừa qua tại hội nghị của Hiệp hội các bệnh ở ngực của Mỹ (American Thoracic Society).

Các nhà nghiên cứu hi vọng có thể dùng phương pháp này để đương đầu với căn bệnh ung thư vốn giết chết 800.000 người mỗi năm trên thế giới. Bởi cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có một xét nghiệm nào để phát hiện ung thư phổi cả.

Hơn nữa, chỉ 30% các ung thư phổi được phát hiện ở giai đoạn sớm mới có thể phẫu thuật được. Lý do là vì công cụ duy nhất hiện có, máy quét (scanner), chỉ có thể phát hiện những khối u phổi có kích thước đủ lớn.

Nét độc đáo của những nghiên cứu của Giáo sư Anil Vachani là ở chất chỉ dấu (marqueur) được sử dụng.

Trái với các nhóm nghiên cứu khác, chẳng hạn như nhóm của bác sĩ Williams Jacot thuộc bệnh viện  Armaud-de-Villeneuveo ở Montpellier (Pháp) Giáo sư Anil Vachani đã không đi theo con đường (hiện nay đang bế tắc) của các protein được tiết ra bởi các khối u ung thư, mà ông đã lựa chọn các bạch cầu.

Thật vậy, một vài loại bạch cầu trong số các bạch cầu này, những tế bào lympho, là những bạch cầu đầu tiên tấn công các khối u ngay khi nó mới phát triển trong cơ thể. Các gen có mặt trên các tế bào lympho này sẽ cho biết một cách chính xác sự xuất hiện của một khối u.

Qua trung gian của các dấu vết ADN, các nhà nghiên cứu đã khảo sát các gen được biểu hiện bởi các bạch cầu của hai nhóm 44 bệnh nhân, trong đó nhóm thứ nhất gồm những bệnh nhân được phát hiện sớm, nhóm thứ hai là nhóm đối chứng.

Như thế các nhà nghiên cứu đã có thể xác định, với độ chính xác lên tới 87%, một sự phối hợp của nhiều gen phát hiện sự có mặt của một khối u ung thư.

Tuy nhiên, còn cần phải kiểm tra xem đặc điểm di truyền này có chung cho những ung thư khác hay không, và điều này cần phải được nghiên cứu trong nhiều năm.

Một hướng nghiên cứu khác về khí do các bệnh nhân thở ra. Nhóm nghiên cứu của bác sĩ Michael Philips ở New Jersey (Mỹ) đã nhận diện một số thành phần trong không khí.

Công trình nghiên cứu của ông được Viện sức khỏe quốc gia Mỹ (National Institudes of Health) tài trợ 3 triệu USD, sẽ được tiến hành thêm 3 năm nữa trước khi chứng minh rằng xét nghiệm phát hiện độc đáo này có một tác động thật sự lên tỷ lệ tử vong./.
(KH&CH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục