Xiếc đương đại Việt Nam ra mắt khán giả Pháp

Những tràng vỗ tay không ngớt chính là phần thưởng xứng đáng dành cho nhóm nghệ sĩ xiếc Việt Nam trong buổi công diễn đầu tiên của vở "Làng tôi" tối 18/6 tại nhà hát Bảo tàng Quai Branly của thủ đô Paris.

Những tràng vỗ tay không ngớt chính là phần thưởng xứng đáng dành cho nhóm nghệ sĩ xiếc Việt Nam trong buổi công diễn đầu tiên của vở "Làng tôi" tối 18/6 tại nhà hát Bảo tàng Quai Branly của thủ đô Paris.
 
Đây là tác phẩm được sáng tác và dàn dựng bởi một nhóm các Việt kiều tại Pháp và Đức và được biểu diễn bởi các nghệ sĩ thuộc Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Tác phẩm đã nhận được sự đầu tư của Hội đoàn Sân khấu Địa cầu Pháp (Scène de la Terre), một tổ chức sản xuất và giới thiệu nghệ thuật lớn hàng đầu thế giới.
 
"Làng tôi" là một tác phẩm nghệ thuật tổng hợp các loại hình nghệ thuật khác nhau như âm nhạc dân gian, nghệ thuật sắp đặt và hình thể... trong đó xiếc đương đại giữ vai trò chủ đạo. Các yếu tố tạo nên vở diễn, từ động tác đến trang phục, từ nhạc cụ dân tộc đến làn điệu dân ca…, tất cả đều được sử dụng nhằm làm nổi bật bức tranh làng quê Việt Nam với những nét sinh hoạt đời thường, những phong tục tập quán, các trò chơi dân gian và cả các lễ hội rất đặc trưng của ba miền Bắc, Trung và Nam.
 
Đặc biệt, cây tre - biểu tượng tiêu biểu của làng quê Việt Nam - đã được chọn làm ngôn ngữ và đạo cụ chủ đạo để thể hiện tác phẩm. Diễn viên múa bằng những ống tre, đi lại, nhào lộn trên những thân tre, tung hứng bằng rổ rá làm từ tre. Sân khấu được thiết kế trên nền những tấm mành tre. Thậm chí, nhạc cụ sử dụng trong tác phẩm cũng được làm từ tre như đàn môi, sáo trúc, thanh la...
 
Sự khỏe khoắn, nhanh nhẹn và uyển chuyển của các nghệ sĩ đã mang đến cho khán giả những cảm giác bất ngờ đến thú vị và ấn tượng, Thông qua các động tác xiếc mô phỏng các trò chơi dân gian như đá cầu, chơi chuyền, tát nước, đánh đu, hay các nét sinh hoạt đời thường như cấy lúa, đánh bắt tôm cá, đốn tre, dựng nhà, vở diễn đã thể hiện thành công một "Bức họa đồng quê" Việt Nam, thanh bình nhưng cũng không kém phần náo nhiệt, sôi động.
 
Ý tưởng "Làng tôi" ra đời từ cách đây gần 5 năm khi ba người Việt sống xa xứ: đạo diễn Lê Tuấn Anh (Đức), nhạc sĩ và nhà biên kịch Nguyễn Nhất Lý (Pháp) và giảng viên xiếc Nguyễn Lân Maurice (Pháp) cùng bắt tay soạn thảo một dự án trao đổi văn hóa Pháp-Việt, nhằm xây dựng một chương trình xiếc mới, mà trong đó chất liệu văn hóa dân tộc sẽ được khai thác bằng ngôn ngữ nghệ thuật đương đại.
 
Sau khi phiên bản đầu tiên của "Làng tôi" ra mắt công chúng vào tháng 8/2005, nhóm Việt kiều này đã chỉnh sửa và bổ sung, hoàn chỉnh phiên bản cũ và cho ra mắt phiên bản mới với đội ngũ gọn nhẹ hơn, chỉ 20 nghệ sĩ, thay vì 80 người như ban đầu.
 
Theo ông Jean Luc Larguier - giám đốc Hội đoàn Sân khấu Địa cầu Pháp, sau lần ra mắt đầu tiên của "Làng tôi" năm 2005, Hội đoàn đã quyết định đầu tư sản xuất phiên bản mới để có thể đưa nghệ thuật xiếc đương đại Việt Nam "xuất ngoại."
 
Sau 9 buổi biểu diễn tại Bảo tàng Quai Branly, nơi hội tụ các nền văn minh châu Á, Phi, Mỹ Latinh và châu Đại Dương, vở "Làng tôi" sẽ được trình diễn tại nhiều địa phương của Pháp trước khi đến với công chúng Anh, Tây Ban Nha, Áo và một số nước khác.

Theo dự kiến chuyến lưu diễn "vòng quanh thế giới" này sẽ kéo dài 3 năm. Được biết trước đó "Làng tôi" đã gây được tiếng vang lớn trong đêm công diễn đầu tiên và duy nhất tại Nhà hát lớn Hà Nội vào hồi đầu tháng 5 vừa qua./.
 
Nguyễn Thu Hà/Paris (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục