Xóa bỏ bất bình đẳng giới: Cần những can thiệp cụ thể

Những quan niệm truyền thống còn cứng nhắc về các giá trị và vai trò của nam giới và phụ nữ là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới ở Việt Nam.
Xóa bỏ bất bình đẳng giới: Cần những can thiệp cụ thể ảnh 1

Những quan niệm truyền thống còn cứng nhắc về các giá trị và vai trò của nam giới và phụ nữ là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới ở Việt Nam.

Một trong các yếu tố chủ chốt là việc gắn vai trò chăm sóc gia đình cho người phụ nữ. Việc khuôn phụ nữ vào vai trò chăm sóc đã đã hạn chế các cơ hội của họ trong học tập, theo đuổi sự nghiệp, tham gia xã hội và chính trị.

Thực tế trên được nêu rõ trong nghiên cứu “Các yếu tố xã hội quyết định bất bình đẳng giới ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) mới công bố ngày 7/3 tại Hà Nội.

Nghiên cứu này được thực hiện với 8.424 phụ nữ và nam giới tại chín tỉnh và thành phố Việt Nam từ năm 2012-2015 với sự tài trợ của Chính phủ Australia, Quỹ Ford và Oxfam Novib.

Nghiên cứu chỉ rõ vai trò chăm sóc gia đình đã hạn chế cơ hội học tập và cơ hội việc làm của phụ nữ.

Cụ thể, 20% phụ nữ phải nghỉ học vì phải làm việc nhà so với 7.3% nam giới; phụ nữ tập trung nhiều ở trình độ phổ thông cơ sở trở xuống và ít hơn ở trình độ phổ thông trung học trở lên; 40% đồng ý rằng nam giới không muốn yêu và kết hôn với phụ nữ có học vấn cao hơn mình; 29% đồng ý rằng một gia đình sẽ không hạnh phúc nếu người vợ có học vấn cao hơn chồng.

Xóa bỏ bất bình đẳng giới: Cần những can thiệp cụ thể ảnh 2Ông Bùi Thế Đức - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội thảo.

Đáng chú ý, có hơn 20% phụ nữ không làm việc vì phải chăm sóc gia đình so với 2% nam giới; phụ nữ tập trung nhiều hơn ở khu vực nông nghiệp, tự doanh, tư nhân và phi chính thức; phụ nữ ở độ tuổi trên 25 chọn công việc gần nhà và có thời gian dành cho gia đình. Nhiều phụ nữ phải tự chi trả bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

Nghiên cứu trên cũng đưa ra một số khuyến nghị trong việc xóa bỏ bất bình đẳng giới, như: Tăng cường thực thi pháp luật liên quan đến bình đẳng giới; cải thiện các dịch vụ xã hội nhằm giảm gánh nặng việc nhà; chính sách thúc đẩy sự tiếp cận của phụ nữ đến các cơ hội phát triển sự nghiệp.

Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng ISDS, nhấn mạnh “Phát hiện của nghiên cứu này giải thích vì sao những tiến bộ trong bình đẳng giới lại không tương xứng với những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Có một bộ phận đáng kể người Việt Nam dù học vấn cao, sống ở thành phố nhưng vẫn duy trì các quan niệm bất bình đẳng về giá trị và vai trò của phụ nữ và nam giới.”

Đồng tình với quan điểm cho rằng nghiên cứu này đã giúp xác định những vấn đề cần phải được chú trọng trong các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, bà Hoàng Thị Ái Nhiên - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam – khuyến nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ phụ nữ thực hiện trách nhiệm này để đi đến bình đẳng thực chất.

“Để đạt được bình đẳng giới thực chất cần có những can thiệp cụ thể,” ông Bùi Thế Đức - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh đồng thời khẳng định Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ tham khảo một số phát hiện và khuyến nghị của nghiên cứu này để định hướng công tác giáo dục truyền thông ở các cấp, thúc đẩy thực thi có hiệu qủa các chủ trương, luật pháp, chính sách về bình đẳng giới để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về giới và các mục tiêu phát triển khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục