Sáng ngày 8/8/2011, tại Trụ sở Thông tấn xã Việt Nam ở Hà Nội, chương trình giao lưu, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã diễn ra trang trọng và xúc động. Đến tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân. Đây là hoạt động thiết thực hướng về các nạn nhân da cam nhân kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam.
5 năm Quỹ của tình thương Theo Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Trần Mai Hưởng, tháng 9 năm 2006, Quỹ Vì nỗi đau da cam thuộc Thông tấn xã việt Nam chính thức đi vào hoạt động. Là cơ quan báo chí đầu tiên được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, gắn bó với đất nước trong quá trình đấu tranh giành độc lập và xây dựng Tổ quốc, chịu nhiều hy sinh trong chiến tranh, trong đó có 260 liệt sĩ ngã xuống ở các chiến trường, việc chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là một ý nguyện, một tình cảm chân thành của tập thể cán bộ, phóng viên trong toàn cơ quan. Theo Tổng giám đốc Trần Mai Hưởng, từ khi thành lập đến nay, Quỹ đã tổ chức nhiều hoạt động ủng hộ, quyên góp, nhiều chuyến đi trao quà trên khắp các miền của đất nước. Quỹ đã quyên góp được 3,88 tỷ đồng tiền mặt cùng 110 xe lăn, 8 thùng thiết bị y tế, 5 thùng thuốc bổ dưỡng. Năm năm qua, trên cơ sở những nguồn tài trợ, Quỹ Vì nỗi đau da cam Thông tấn xã Việt Nam đã trao tặng 2,887 tỷ đồng và hiện vật như xe lăn, thuốc bổ dưỡng, máy vi tính, bò sinh sản... cho hàng nghìn nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin tại 63 tỉnh thành trong cả nước. Đặc biệt, Quỹ đã và đang xây dựng 21 nhà tình thương để tặng các nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin tại một số tỉnh như Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Nam... Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã gửi thư tới chương trình giao lưu "Vì nỗi đau da cam." Bức thư có đoạn: "Tôi hy vọng và mong muốn rằng, với vai trò là một kênh thông tin quan trọng của Đảng và Nhà nước, Thông tấn xã Việt Nam sẽ tiếp tục hành trình cùng nạn nhân chất độc da cam, có nhiều việc làm thiết thực, nhiều sáng kiến để thông tin, tuyên truyền, vận động bạn bè trên toàn thế giới cùng nhân dân Việt Nam chung tay 'Xoa dịu nỗi đau da cam' đồng hành cùng với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trong cuộc đấu tranh đòi công lý." Có mặt tham dự và ủng hộ các nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ: "Chiến tranh đã đi qua gần 40 năm, đến nay các nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin là những người chịu đau thương mất mát nhất sau chiến tranh, là những người cần giúp đỡ nhất trong những người cần giúp đỡ." Phó Thủ tướng tâm sự, trong những lần thăm và tiếp xúc với trẻ bị nhiễm chất độc màu da cam/dioxin trở về thì nỗi xót xa và thương cảm luôn canh cánh, ăn bữa cơm cũng không thấy ngon, không yên lòng. Cả hội trường rưng rưng Các tiết mục được biểu diễn bởi trẻ em của làng Hữu Nghị Vân Canh đã làm cả hội trường như lặng đi. Mỗi câu hát đã hay hơn, cảm động hơn rất nhiều vì người hát lẫn người nghe cùng rung cảm. Bài hát "Phép màu" thể hiện mong muốn "để cho cuộc sống không còn khổ đau" được cất lên bởi hơn mười em nhỏ là nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin. Các em đã hát đã cười thật tội vì em nào cũng mang trong mình những khuyết tật dù có thể nhìn thấy hoặc không. Phóng viên Vietnam+ đã gặp gỡ trao đội cùng chị Vũ Thị Ngọc Loan, người vào vai bà mẹ trong điệu múa "Tình mẹ." Chị Loan vừa là cô giáo dạy thêu lại vừa là người dạy các em hát múa. Chị bảo: "Nhìn các cháu trong đội múa xinh tươi thế thôi nhưng tội lắm. Hầu hết đều không nghe và nói được. Dạy múa vì thế chỉ bằng động tác, không có nhạc cảm, không hiểu hết nghĩa lời bài ca." Nhìn thấy một em có mắt miệng rất rõ dị tật, phóng viên ái ngại hỏi chị Loan về cháu thì chị nói: Cháu tên là Trung Thị Thanh Bình, quê ở Quảng Nam Đà Nẵng. Bình tuy trông dị tật thế thôi nhưng lại là học sinh bình thường nhất trong đội múa đấy. Tôi nói Bình nghe hiểu và ngoan hơn nhiều bạn khác. Các em khác trông lành lặn bình thường nhưng trí tuệ lại chậm phát triển. " Chịa Loan chia sẻ: "Các thành viên trong đội văn nghệ đến được đây giao lưu là những em bình thường nhất. Các em ở nhà còn nằm một chỗ không thể múa hát, không thể cúi chào nên không đến giao lưu được." Đặc biệt có hai chị em Thanh Hằng và Thanh Hà là nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin xuất hiện và hát thật hay "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!" Đây là hai cô gái xinh đẹp, thông minh đang làm tại tạp chí Kiến thức Ngày nay ở Thành phố Hồ Chí Minh. Điều khiến mọi người có mặt đều hết sức thương mến hai chị em là vì cô chị 33 tuổi và cô em 23 tuổi duyên dáng, cân đối nhưng cả hai đều nhỏ xíu. Nhân vật gây thán phục cho mọi người tham dự là Nguyễn Sơn Lâm, đã tốt nghiệp khoa Tiếng Anh, Đại học Hà Nội, khoa tiếng Nhật của Đại học Phương Đông và có thể giao tiếp bằng tiếng Pháp. Sơn Lâm nói: "Tôi thấy mình là người may mắn. Nghe các em hát vô tư, tôi rất xúc động. Tôi muốn cảm ơn nhiều lắm đến những người hảo tâm quan tâm đến nạn nhân chất độc da cam. Tôi không muốn xin gì cho bản thân mình vì tôi đã quá may mắn được học hành để có hôm nay." "Cảm ơn các bậc cha mẹ của các em, các bậc sinh thành đã phải đối mặt với nỗi đau hàng ngày, đau xót nhìn đứa con của mình như cha mẹ tôi vậy. Tôi sẽ cố gắng để chứng mình tôi không thất bại mà chiến thắng chất độc quái ác này," Sơn Lâm nói rồi cất tiếng hát thật hay, vang xa "Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư." Nhạc sĩ trẻ Dương Hồng Kông đã viết ca khúc đoạt giải Nhì trong cuộc thi sáng tác về nỗi đau da cam. Ca khúc "Chiến tranh của mẹ" có ca từ cảm động về câu chuyện da cam: "Cha trở về từ cánh rừng khô cháy, từ con suối nhuốm màu da cam... Hình hài cha cho con không còn nguyên vẹn nữa... Một đôi tai không nghe, một đôi mắt không nhìn, một giọng nói không lời... Chiến tranh của cha lửa đốt đường hành quân, chiến tranh của mẹ là những đêm gió về, là những ngày bão giông... mẹ, người đưa con đi bằng cả cuộc đời..." Khi ca khúc vang lên, thêm một câu lại thêm người đã không cầm được nước mắt...
Chung tay xoa dịu nỗi đau Trong chương trình giao lưu, nhiều đơn vị của Thông tấn xã Việt Nam và các doanh nghiệp ở Hà Nội đã ủng hộ Quỹ tiền và sách tặng cho Hội Nạn nhân Chất độc màu da cam. Tổng số tiền ủng hộ trong sáng 8/8/2011 đạt 650,2 triệu đồng. Trong đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã ủng hộ quỹ 5 triệu đồng, Công đoàn Thông tấn xã việt Nam ủng hộ 100 triệu đồng, Quỹ Thiện tâm của Công ty cổ phần Vincom ủng hộ 200 triệu đồng, Ngân hàng Công Thương ủng hộ tiền mặt và nhà tình thương với tổng cộng là 100 triệu đồng, Tập đoàn Le Group ủng hộ 30 triệu đồng.... |
Nguyễn Anh (Vietnam+)