Xử giai đoạn 2 vụ án "chợ" ma túy Thanh Nhàn

Hai cán bộ PC 17 là Phạm Đình Tiếng và Nguyễn Thế Quảng tiếp tục phủ nhận việc nhận hối lộ của đường dây mua bán trái phép ma túy ở Thanh Nhàn.
Ngày 14/9, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 của đường dây mua bán trái phép ma túy ở khu vực phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Trong vụ án, có 23 bị cáo phải ra trước vành móng ngựa. 17 bị cáo do Trần Thị Thuận (48 tuổi, ở tại 17 ngách 181, ngõ Quỳnh, Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Bùi Trọng Bảy (39 tuổi, ở 197 đường Thanh Nhàn, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) cầm đầu bị truy tố về tội "Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy".

Sáu bị cáo nguyên là các cán bộ công an Hà Nội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "nhận hối lộ" gồm: 4 cảnh sát hình sự phường Bạch Mai là Phạm Nho Việt, Đinh Quế Hoan, Lê Văn Minh và Võ Xuân Long; 2 cán bộ Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy của Công an thành phố Hà Nội (PC17) là Phạm Đình Tiếng và Nguyễn Thế Quảng.

Riêng bị cáo Phạm Đình Tiếng còn bị truy tố thêm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Trong số 23 bị cáo, có 6 bị cáo được tại ngoại, trong đó có 3 bị cáo nguyên là cán bộ công an được tại ngoại, gồm: Phạm Nho Việt, Lê Văn Minh, Đinh Quế Hoan.

Tại phiên tòa, có 18 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Tòa đã triệu tập những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến phiên tòa gồm ông Nguyễn Đức Bình (chồng của bị cáo Trần Thị Thuận) và đại diện Công ty quản lý nhà số 4 (do có liên quan trong việc kê biên nhà của bị cáo Thuận). Tòa cũng triệu tập một số nhân chứng trong vụ án nhưng các nhân chứng này đều xin vắng mặt có lý do.

Khoảng 10 năm trước, "chợ ma túy" tại khu vực Thanh Nhàn từng là tụ điểm "nóng" về tệ nạn xã hội ở Hà Nội. Tại giai đoạn 1 của chiến dịch truy quét do Bộ Công an tiến hành, cơ quan công an đã triệt phá đường dây của "bà trùm" Cao Thị Lan, qua đó phát hiện ra 7 công an "bán mình" cho tội phạm ma túy. Mở rộng vụ án, tại giai đoạn 2, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an phát hiện đường dây khác do em dâu của Cao Thị Lan là Trần Thị Thuận cầm đầu cùng với sự tiếp tay của 6 cán bộ công an nữa.

Theo cáo trạng, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội một cách có tổ chức với đông đối tượng tham gia mua bán lẻ khối lượng lớn heroin (10.175 gram). Bọn chúng phân công vai trò chặt chẽ, từ đối tượng chủ mưu cầm đầu đến các đối tượng trong từng nhóm hoạt động kéo dài nhiều năm trên địa bàn Thủ đô.

Đặc biệt, để mua bán heroin được an toàn và tồn tại lâu dài, Bùi Trọng Bảy và đồng bọn đã quan hệ mua chuộc, nhiều lần đưa hối lộ với tổng số tiền 40 triệu đồng cho một số cán bộ Công an phường Bạch Mai để họ làm ngơ, bao che cho bọn chúng mua bán lẻ ma túy công khai ngay tại địa bàn chúng phụ trách. Tiếp đó, Bùi Trọng Bảy còn đưa hối lộ cho Phạm Đình Tiếng, Nguyễn Thế Quảng để chạy tội cho mình và đồng bọn.

Trong phần thẩm vấn chiều 14/9, Tòa tập trung phần lớn thời gian xét hỏi về làm rõ hành vi của hai bị cáo nguyên là cán bộ PC 17. Bị cáo Bảy cùng vợ là Trần Thị Lan cùng khẳng định đã nhiều lần gặp bị cáo Tiếng và Quảng để đưa tiền nhằm tạo được sự hậu thuẫn trong việc "kinh doanh" ma túy, đúng như cáo buộc của Viện kiểm sát Đôi vợ chồng này thậm chí còn khai chi tiết cả từng địa điểm "giao dịch".

Trong khi đó, bị cáo Quảng phủ nhận những lời khai này và giải thích nhiều lần liên lạc với Bảy là do "sử dụng Bảy là mạng lưới bí mật nên tháng nào cũng phải liên lạc để hỏi việc", chứ không không phải để bàn việc "bảo kê", nhận tiền phong bì.

Còn bị cáo Tiếng khai: "Tôi biết Bảy là đặc tình của đồng nghiệp nên không bao giờ liên lạc với người này" và không thừa nhận đã cầm 8.000 USD của Bảy để lo thủ tục thả Nguyễn Viết Mạnh (cháu của Bảy, một mắt xích trong khâu bán lẻ heroin) khi Mạnh bị bắt.

Phạm Đình Tiếng khai việc Mạnh có "lệnh thả" là do Viện Kiểm sát hôm đó không phê chuẩn lệnh bắt Mạnh, đồng thời cho rằng mình với tư cách thư ký Ban chuyên án đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Liên quan đến hành vi của bị cáo Tiếng, cách đây gần 4 tháng, vụ án này đã từng được đưa ra xét xử nhưng phải dừng lại giữa chừng vì trong quá trình thẩm vấn bị cáo Tiếng có nhiều tình tiết chưa được làm rõ.

Hội đồng xét xử đã tuyên trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ việc Bảy khai đưa 8.000 USD cho ông Tiếng và việc ông Tiếng làm công văn gửi Viện Kiểm sát Hà Nội xin phê chuẩn lệnh bắt Mạnh.

Tuy nhiên, 3 tháng sau khi lật lại vụ án, cơ quan điều tra cho biết, trong lúc Mạnh bị bắt, ông Tiếng có nhiều thời gian củng cố chứng cứ để Viện Kiểm sát phê chuẩn lệnh bắt Mạnh nhưng đã cố tình không thực hiện; không phối hợp với cơ quan điều tra để đấu tranh làm rõ hành vi của Mạnh. Do vậy, cơ quan công an và cơ quan công tố vẫn giữ nguyên quan điểm buộc tội đối với bị cáo này.

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 1 tuần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục