Xu hướng bán tháo tăng mạnh tại thị trường chứng khoán châu Á

Sự mất giá của nhóm cổ phiếu ngành khai mỏ, đi đầu là “gã khổng lồ” khai khoáng Thụy Sĩ Glencore đã dẫn tới xu hướng bán tháo tăng mạnh tại thị trường chứng khoán châu Á phiên 29/9.
Xu hướng bán tháo tăng mạnh tại thị trường chứng khoán châu Á ảnh 1Chứng khoán châu Á giảm. (Nguồn: wsj.com)

Sự mất giá của nhóm cổ phiếu ngành khai mỏ, đi đầu là “gã khổng lồ” khai khoáng Thụy Sĩ Glencore đã dẫn tới xu hướng bán tháo tăng mạnh tại thị trường chứng khoán châu Á phiên 29/9, sau khi chứng kiến sắc đỏ bao phủ chứng khoán Mỹ và châu Âu trong phiên trước.

Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm mạnh 714,27 điểm (4,05%), xuống 16.930,84 điểm, xóa hết nỗ lực tăng điểm của chỉ số này từ đầu năm 2015.

Tính từ khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) gây sốc thị trường toàn cầu khi bất ngờ hạ giá đồng NDT vào giữa tháng Tám vừa qua, chỉ số Nikkei của Nhật Bản đã mất tới 18%.

Những lo ngại về tình hình bấp bênh của kinh tế Trung Quốc và đà giảm giá của các loại hàng hóa đã giúp đồng yen mạnh lên song lại đẩy chứng khoán Nhật Bản đi xuống, do gây bất lợi cho các nhà xuất khẩu nước này.

Trong khi đó, tại thị trường Sydney, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia cũng hạ 3,8%, trong khi thị trường Đài Loan và Singapore cũng đồng loạt mất hơn 1%.

Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại trong vài tháng qua và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này được dự báo là sẽ chứng kiến mức tăng trưởng tệ nhất trong 25 năm qua vào năm 2015.

Tín hiệu kinh tế tiêu cực mới nhất mà Bắc Kinh vừa phải đón nhận là vào cuối tuần trước, khi số liệu chính thức từ Chính phủ Trung Quốc chỉ ra rằng hoạt động của các nhà máy nước này trong tháng Chín đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng sáu năm rưỡi qua, còn lợi nhuận của các tập đoàn công nghiệp chủ chốt của nước này cũng giảm 8,8% trong tháng Tám, do động thái giảm giá đồng nội tệ của PBoC, nhu cầu tiêu thụ yếu và thị trường chứng khoán lao dốc.

Nhu cầu của Trung Quốc đối với các mặt hàng khoáng sản cũng khiến giá các mặt hàng này liên tục sụt giảm, chạm mức thấp nhất nhiều năm, qua đó tác động xấu tới giá cổ phiếu của các công ty khai khoáng.

Cụ thể, giá cổ phiếu của Glencore đã giảm tới 29,3% tại thị trường Hong Kong trong phiên này, sau khi mất gần 30% tại thị trường London trong phiên trước đó.

Không nằm ngoài xu hướng trên, hai thị trường chứng khoán chủ chốt khác là Thượng Hải và Hong Kong đều mất điểm trong phiên này.

Khép lại phiên 29/9, chỉ số Shanghai Coposite và Hang Seng lần lượt mất 62,62 điểm (2,01%) và 629,72 điểm (2,97%), đóng cửa ở mức 3.038,14 điểm và 20.556.60 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục