Xu hướng chuyển nghề của các nhân viên ngân hàng ở Hàn Quốc

Từ nhân viên kinh doanh ngân hàng tại JPMorgan, David Lim đã ghi danh vào chương trình khoa học sức khỏe tại Đại học Otago ở New Zealand. Sau khi tốt nghiệp, anh sẽ mở doanh nghiệp riêng ở Hàn Quốc.
Xu hướng chuyển nghề của các nhân viên ngân hàng ở Hàn Quốc ảnh 1Hình ảnh làm việc tại ngân hàng JPMorgan. (Nguồn: bloomberg.com)

Không dễ để từ bỏ một công việc hấp dẫn tại JPMorgan Chase &Co. để trở thành một sinh viên năm nhất đại học ở tuổi trung niên. David Lim đã cân nhắc lựa chọn này suốt 7 năm trước khi quyết định rời chi nhánh Hàn Quốc của JP Morgan hồi tháng Hai vừa qua để quay lại trường học và bắt đầu sự nghiệp mới với vai trò một nhà vật lý trị liệu.

Đối với người đàn ông 43 tuổi đã có một con này, trong bối cảnh ngành công nghiệp tài chính đang thu hẹp còn ngành chăm sóc sức khỏe đang bùng nổ ở Hàn Quốc, quyết định theo đuổi đam mê của anh đã bớt khó khăn hơn.

"Dân số Hàn Quốc đang già đi rất nhanh, và mọi người ngày càng quan tâm hơn đến các vấn đề sức khỏe," anh Lim cho biết.

Từ một nhân viên kinh doanh ngân hàng tại JPMorgan, anh đã ghi danh vào chương trình khoa học sức khỏe tại Đại học Otago ở New Zealand. Sau khi tốt nghiệp, anh sẽ mở doanh nghiệp riêng của mình ở Hàn Quốc.

Lim là một trong số ngày càng nhiều nhân viên ngân hàng bỏ việc để chuyển sang những phân khúc phát triển mạnh hơn trong thị trường việc làm ở Hàn Quốc trước tình hình nền công nghiệp tài chính tại đây gặp nhiều khó khăn với lợi nhuận suy giảm, tăng trưởng kinh tế ảm đạm và nhiều công ty vỡ nợ.

Tính từ tháng 10 năm 2015, việc làm tại khu vực tài chính tại Hàn Quốc đã giảm 3,3%. Trong khi đó, số lượng công việc lại tăng ít nhất 1,9% tại Hong Kong, New York và Vương quốc Anh.

Việc làm trong ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe và công nghệ của Hàn Quốc, ngược lại, đang nở rộ trước nhu cầu ngày càng tăng của một xã hội đang dần già hóa và chiến dịch tạo các động lực tăng trưởng mới của tổng thống Park Geun-hye tại nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.

Sự thay đổi này cũng có thể được nhìn ra tại thị trường chứng khoán trị giá 1,3 nghìn tỷ USD của Hàn Quốc, với cổ phiểu của các công ty chăm sóc sức khỏe và công nghệ đứng hàng đầu về khả năng sinh lợi trong số 11 nhóm ngành công nghiệp trong năm nay.

“Tôi có dự cảm tích cực về ngành công nghệ thông tin và chăm sóc sức khỏe trong dài hạn”, Lee Kyoung Min, một nhà phân tích của công ty chứng khoán Daishin tại Seoul nhận định. "Đây có lẽ là hai trong số ít những ngành công nghiệp có thể thực sự phát triển trong nền kinh tế hiện nay."

Các doanh nghiệp chăm sóc sức khỏe tại Hàn Quốc ngày càng được thành lập nhiều hơn cùng sự già hóa của dân số. Phân khúc y tế và công tác xã hội trong tổng sản phẩm quốc nội đã tăng 8,1% trong quý 2, so với 3,3% tăng trưởng của cả nền kinh tế.

Ở khía cạnh tạo công ăn việc làm, theo số liệu mới nhất từ chính phủ Hàn Quốc, số lượng công việc trong ngành chăm sóc sức khỏe đã tăng 1,3% trong 12 tháng tính từ tháng 10/2015. Theo cơ quan thống kê Hàn Quốc, tới năm 2060, tỷ lệ người dân từ 65 tuổi trở lên sẽ tăng hơn gấp 3 lần và chiếm 40% dân số.


Xu hướng chuyển nghề của các nhân viên ngân hàng ở Hàn Quốc ảnh 2

Tăng trưởng ổn định

Sự thay đổi về nhân khẩu học của Hàn Quốc đã thuyết phục Lee Jung Ha, một người đàn ông 49 tuổi từng là trưởng phòng giao dịch tiền tệ tại công ty Chứng khoán và Đầu tư Woori (hiện là một thành viên của Công ty Chứng khoán và Đầu tư Ngân hàng) từ bỏ sự nghiệp 2 thập kỷ của mình trong ngành tài chính và mở một nhà dưỡng lão ở gần Seoul.

Theo anh Lee, người đã dành nhiều tháng học hành và hoàn thành một năm đào tạo trong lĩnh vực trước khi mở nhà dưỡng lão, đây là một ngành công nghiệp "có sự tăng trưởng ổn định." "Đôi khi tôi cũng nhớ phòng giao dịch, nhưng tôi thấy phấn khởi hơn với con đường mới này," anh chia sẻ.

Eunice Kim, cựu chuyên viên phân tích kinh doanh của ngân hàng ING ở Seoul cũng đã tìm được sự nghiệp mới trong ngành công nghệ. Sau khi rời khỏi ING hồi năm 2011, Kim đã tham gia việc kinh doanh đồ điện tử của gia đình tới khi công ty được mua lại năm ngoái.

Cô đã gia nhập một công ty công nghệ khởi nghiệp có trụ sở ở Anh hồi tháng 5 và phụ trách các hoạt động ở Hàn Quốc của công ty. Giờ làm việc linh hoạt và tiềm năng nhận được mức lương cao nếu công ty thành công là những yếu tố đã thu hút cô Kim.

"Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, các công ty công nghệ từ Mỹ sẽ muốn mua cổ quyền của chúng tôi," cô Kim chia sẻ. "Đây sẽ là một cơ hội lớn cho tôi cả về mặt tài chính và sự nghiệp."

Ngành công nghiệp công nghệ  đã trở thành một ngành nổi bật trong thị trường việc làm của Hàn Quốc, tăng trưởng 6,4% trong 12 tháng tính từ tháng 10/2015, nhờ những nỗ lực xây dựng "nền kinh tế sáng tạo" được các doanh nghiệp công nghệ cao thúc đẩy của tổng thổng Park. Chính phủ đã tuyên bố đầu tư 15,3 nghìn tỷ won (13,9 tỷ USD) vào các lĩnh vực như công nghệ phần mềm, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và ô tô thông minh trong năm tới.

Câu lạc bộ đàn ông

Với các cổ đông của các công ty công nghệ và chăm sóc sức khỏe ở Hàn Quốc, 2016 là một năm của những kỷ lục. Các công ty trong hai lĩnh vực này đã tăng trưởng lần lượt 21% và 26%, dựa trên mức vốn hóa thị trường trung bình của lợi nhuận.

Cổ phiếu các công ty chăm sóc sức khỏe ở Hàn Quốc được định giá trung bình gấp 102 lần thu nhập được báo cáo. Con số này ở cổ phiếu công nghệ là 61 lần - cao hơn khoảng 6 lần so với các công ty tài chính.

Những nhân viên ngân hàng bỏ ngành đã nhận ra những lợi ích vượt ngoài việc tham gia một ngành công nghiệp đang tăng trưởng nhanh chóng. Anh Lim đã bị thu hút bởi "tuổi thọ nghề nghiệp" dài lâu của các nhà vật lý trị liệu - những người có thể làm việc tới tận năm 60 tuổi hoặc hơn.

Anh Lee thì đã hoàn thành mơ ước từ lâu là điều hành doanh nghiệp của riêng mình, còn cô Kim thì có thể thoát khỏi "câu lạc bộ đàn ông trẻ" ở các sàn giao dịch của các ngân hàng lớn.

"Tôi không hối tiếc vì đã bỏ việc. Tôi thích công việc của mình bây giờ, và mỗi ngày tôi đều cảm thấy hài lòng," cô Kim chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục