Xu hướng "hồi hương" của các nhà sản xuất lớn tại Nhật Bản

Động thái "hồi hương" của Công ty máy tính Casio đã nối dài danh sách các doanh nghiệp lựa chọn đầu tư tại Nhật Bản thay vì ra nước ngoài.
Xu hướng "hồi hương" của các nhà sản xuất lớn tại Nhật Bản ảnh 1Nhà máy của Casio ở Yamagata. (Nguồn: Nikkei)

Các nhà sản xuất Nhật Bản, từng dành hàng thập kỷ đặt dấu chân của mình lên khắp châu Á và toàn cầu, đang gia tăng các hoạt động sản xuất trong nước nhờ sự giúp đỡ của robot và trí tuệ nhân tạo.

Ví dụ mới nhất cho xu hướng này là Công ty máy tính Casio. Công ty đang tự động hóa các hoạt động sản xuất tại một nhà máy ở miền Bắc Nhật Bản nhằm cắt giảm chi phí và sản xuất thêm nhiều sản phẩm đồng hồ đeo tay giá rẻ trong nước. Điều này phản ánh xu hướng "hồi hương" ở cả những ngành sản xuất ít có giá trị gia tăng.

Các nhà xuất khẩu Nhật Bản đang phải đối mặt với giá nhân công ngày càng tăng trên khắp châu Á, gây ảnh hưởng tới những lợi ích của việc sản xuất ở nước ngoài.

Đồng thời, họ cũng nhận ra rằng tự động hóa có thể giúp các hoạt động sản xuất trong nước có sự cạnh tranh về chi phí. Sản xuất trong nước cũng cho phép họ được dán nhãn sản phẩm là "Sản xuất tại Nhật Bản" - dòng chữ vẫn để lại được ấn tượng và sự tin tưởng.

Trước khi Casio có động thái này, Honda Motor cũng đã lên kế hoạch sẽ chuyển hoạt động sản xuất xe máy Super Cub từ Trung Quốc về nhà máy ở Kumamoto.

Trong khi đó, Canon sẽ xây một nhà máy sản xuất máy ảnh kỹ thuật số mới ở tỉnh Miyazaki để đưa việc sản xuất từ các địa điểm khác thuộc châu Á về nước và Pioneer đã chuyển hoạt động sản xuất các hệ thống định hướng cho ôtô dành riêng cho thị trường Nhật Bản từ một nhà máy ở Thái Lan về tỉnh Aomori.

Ban đầu, nhiều công ty Nhật chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài để giải quyết vấn đề đồng yen mạnh, buộc họ phải bỏ thêm tiền ở các thị trường nước ngoài, dẫn đến sụt giảm tính cạnh tranh. Đồng yen đã mạnh lên từ mức 1 USD đổi 250 yen hồi giữa thập niên 80 xuống 1 USD đổi dưới 80 yen vào năm 2011 và 2012. Hiện tại, đồng yen đã quay về mốc 113 yen đổi 1 USD, giúp các nhà xuất khẩu Nhật Bản bớt đi một chút gánh nặng.

Casio, công ty có trụ sở ở Tokyo, đã bán những chiếc đồng hồ với giá khoảng 20 USD suốt nhiều thập kỷ qua. Được người hâm mộ khắp thế giới trìu mến gọi là "những chiếc Casio giá rẻ," loại đồng hồ này chiếm khoảng hơn 10% trong số khoảng 44 triệu sản phẩm đầu ra hàng năm của công ty - chiếm phần lớn nhất so với bất kỳ loại đồng hồ nào khác.

Sản lượng của loại đồng hồ này được chia tương đối đều giữa 4 nhà máy: 2 nhà máy ở Trung Quốc, 1 ở Thái Lan và 1 ở tỉnh Yamagata, Nhật Bản. Tuy nhiên, sản lượng ở Nhật Bản sẽ tăng mạnh hơn sau khi nhà máy Yamagata được tự động hóa, với kế hoạch tăng hơn gấp đôi công suất từ sản lượng 100.000 chiếc mỗi tháng hiện nay.

Tới mùa Hè, việc lắp ráp các môđun sẽ được tự động hóa hoàn toàn, và việc lắp vỏ và gắn dây đeo cũng vậy. Casio dự kiến sẽ cần chưa tới 1/5 lực lượng lao động hiện tại của nhà máy sau khi đầu tư vào tự động hóa, và điều này sẽ giúp đưa chi phí sản xuất xuống mức ngang với Thái Lan, nơi hiện đang chiếm 1/4 sản lượng đồng hồ. Chi phí sản xuất cũng sẽ thấp hơn so với ở Trung Quốc, nơi giá nhân công đã tăng lên đáng kể theo các tiêu chuẩn châu Á.

Những sự nâng cấp này dự kiến sẽ tiêu tốn hàng triệu USD. Trong khoảng ba năm tới, Casio sẽ chuyển một số dây chuyền sản xuất nhất định từ những địa điểm tại châu Á về Yamagata.

Động thái của Casio đã nối dài danh sách các công ty lựa chọn đầu tư tại Nhật Bản thay vì ra nước ngoài./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục