Xu hướng sản xuất next-shoring và bản đồ sản xuất toàn cầu

Các nhà sản xuất hiện đại muốn sự đa dạng và linh hoạt trong chuỗi cung ứng của mình, điều này cần thiết phải có những kết nối hiệu quả chi phí và đa dạng đến với lượng khách hàng toàn cầu.
Xu hướng sản xuất next-shoring và bản đồ sản xuất toàn cầu ảnh 1Công nghệ in 3D sẽ đóng một vai trò quan trọng đối với tương lai của ngành sản xuất, và nơi sản xuất. (Ảnh: airwolf3d.com)

Cách đây một vài thập niên, xu hướng sản xuất "off-shoring" - các công ty chuyển dịch sản xuất sang những địa điểm có chi phí rẻ hơn như Trung Quốc hoặc Mỹ Latinh - rất thịnh hành. Sau đó là xu hướng này đảo chiều thành "near-shoring" - nghĩa là các công ty chuyển các trụ sở sản xuất gần với những thị trường sở tại hơn khi giá nhiên liệu và chi phí nhân công gia tăng.

Nhưng trong nền kinh tế kết nối toàn cầu ngày nay, mọi chuyện không chỉ là vấn đề chi phí. Ngày nay, cán cân sản xuất đang dịch chuyển một lần nữa.

Theo báo cáo gần đây của Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey, xu hướng sản xuất "next-shoring" - nghĩa là không phải chuyển dịch sản xuất từ địa điểm này sang địa điểm khác, nhưng là "thích ứng và chuẩn bị cho bản chất sản xuất thay đổi ở khắp nơi" - hiện đang là một xu thế mới.

Sự khác biệt là sự chuyển dịch mang tính cách mạng ngày nay không còn là một vấn đề địa lý, cũng không phải là cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia hay lục địa. Nó là một xu hướng rộng và phức tạp hơn nhiều - một xu hướng chuyển dịch chất xám, tiếp cận những kỹ thuật sản xuất sáng tạo, tư duy xa hơn những vấn đề cơ bản và phát triển những dây chuyền cung ứng hiệu quả nhất.

Theo báo cáo, tại châu Á, việc sản xuất đang chuyển dịch sang Việt Nam, Malaysia và Indonesia. Những khu vực chuyên môn cũng đóng vai trò quan trọng - như Singapore chuyên về dược phẩm và các thiết bị y tế, Hàn Quốc chuyên về công nghệ.

Hành lang thương mại trong khu vực châu Á ngày nay được biết đến có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới. Các quốc gia mới nổi được dự báo sẽ chiếm 66% nhu cầu toàn thế giới vào năm 2025.

Phân tích của McKinsey cho rằng, vì lý do đó, việc duy trì sản xuất tại những thị trường mới nổi tại châu Á là hợp lý, thay vì đem về Mỹ hay Mexico. Chúng nằm gần những thị trường tiêu dùng khổng lồ của Trung Quốc và Ấn Độ.

Canada và Mexico vẫn có thể được xem như là những địa điểm sản xuất hấp dẫn vì cùng một lí do - vị trí gần với thị trường Mỹ khổng lồ - và những lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Sự thích ứng của các các doanh nghiệp trước xu hướng next-shoring cũng đã được chuẩn bị, như trường hợp của FedEx. Trong quá trình hoạt động với việc vận chuyển bằng đường không, đường bộ và đường biển, FedEx thấy được tất cả các ngành công nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi xu hướng toàn cầu. Tại 220 quốc gia và lãnh thổ mà công ty này hoạt động, đang có sự thay đổi tiềm ẩn về mức lương trên toàn cầu, sức mua và chi phí năng lượng. Vì vậy việc đặt trụ sở sản xuất ở đâu không còn là một bài toán dễ làm đối với nhiều công ty nữa.

Sản xuất bên ngoài quốc gia có những trở ngại nhất định mặc dù có những giải pháp để khắc phục, như việc giúp rất nhiều khách hàng giải quyết thủ tục hải quan và đảm bảo các quy tắc/quy định xuất nhập khẩu không tác động đến việc hoạt động của khách hàng, cho dù trụ sở sản xuất của họ nằm cách trung tâm đầu não rất xa.

“Việc tiếp cận những giải pháp cung ứng hiệu quả và sáng tạo để vận chuyển hàng hóa và sản phẩm trên toàn cầu là một giải pháp hữu hiệu cho các doanh nghiệp trong xu hướng next-shoring,” Chủ tịch FedEx Châu Á-Thái Bình Dương Karen M. Reddington nói. “Và đó cũng là điều mà FedEx đang thực hiện hàng ngày nhằm giúp cho những nhà sản xuất tối ưu hóa hoạt động của mình.”

Công nghệ sáng tạo cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng đối với tương lai của ngành sản xuất, và nơi sản xuất. Theo Công ty McKinsey, sự tiến bộ của công nghệ in 3D là một giải pháp tuyệt vời giúp các công ty có thể thay thế các nhà cung cấp phụ tùng truyền thống bằng việc sử dụng những máy in đặc biệt này.

Các công ty cũng đang tìm kiếm những giải pháp tốt nhất cho ngành sản xuất, và cách thức hợp nhất những dây chuyền sản xuất toàn cầu phức tạp với nhau. Một phần mềm có tên gọi "Cost Differential Frontier" do trường Đại học Lausanne và Bộ Thương Mại Mỹ phát triển đã giúp các công ty tìm ra vị trí tốt nhất bằng cách so sánh nhân công, tài chính thương mại, mức độ tuân thủ pháp luật và chi phí vận chuyển, cũng như những vấn đề chính trị và rủi ro an ninh khác.

Theo báo cáo của McKinsey, cho dù giải pháp là gì, các doanh nghiệp cần tận dụng sự tiếp cận kết nối toàn cầu khắp nơi trên thế giới.

Thời của việc chọn lựa địa điểm sản xuất dựa trên chi phí nhân công đắt hay rẻ đã qua. Đối với hầu hết các công ty, "next-shoring" sẽ không chỉ là "một" mà còn bao gồm "rất nhiều" vấn đề cần phải xem xét.

Các nhà sản xuất hiện đại muốn sự đa dạng và linh hoạt trong chuỗi cung ứng của mình, điều này cần thiết phải có những kết nối hiệu quả chi phí và đa dạng đến với lượng khách hàng toàn cầu ngày càng gia tăng và đòi hỏi cao./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục