Xu hướng tích hợp ứng dụng để bán hàng trên các website

Thống kê từ 15.000 khách hàng của Bizweb cho thấy, có 30% chủ website cài đặt và tích hợp ứng dụng bổ sung từ bên thứ 3 để giúp việc bán hàng online được thuận lợi.
Xu hướng tích hợp ứng dụng để bán hàng trên các website ảnh 1(Nguồn: DKT)

Thống kê từ hơn 15.000 khách hàng sử dụng nền tảng bán hàng online Bizweb cho thấy, có 30% chủ website cài đặt và tích hợp các ứng dụng bổ sung từ bên thứ 3 nhằm giúp việc bán hàng thuận lợi.

Thông tin trên được Công ty DKT đưa ra trong một thông báo được phát đi vào ngày 6/5.

Theo đại diện DKT, trên thế giới, việc cung cấp website thương mại điện tử đã sớm chuyến sang mô hình website mở, tức là có thể dễ dàng bổ sung tính năng thông qua kho ứng dụng (apps market) từ bên thứ 3. Mô hình này có sự tham gia của 3 bên, bao gồm chủ shop kinh doanh online (người dùng), đơn vị cung cấp website (cung cấp nền tảng cốt lõi) và các đơn vị phát triển ứng dụng (apps).

Tại Việt Nam, mô hình website mở còn khá mới mẻ, những năm qua, các chủ shop, chủ website vẫn chủ yếu phải dùng các giải pháp website nền tảng đóng, việc bổ sung tính năng hoàn toàn do đơn vị thiết kế web phụ trách. Tuy nhiên, theo dữ liệu thu được, Bizweb nhận định kho ứng dụng cho website sẽ khởi sắc trong thời gian tới.

Cụ thể, trong số hơn 15.000 khách hàng đang sử dụng nền tảng bán hàng online Bizweb, có 30% tương đương với hơn 5.000 chủ website cài đặt và tích hợp các ứng dụng bổ sung từ bên thứ 3.

Thống kê cũng cho thấy, mối quan tâm hàng đầu của các cửa hàng kinh doanh online là khả năng tiếp cận nhiều kênh bán hàng hơn (bán hàng đa kênh). Trong top 10 ứng dụng được tích hợp nhiều nhất của các website bán hàng online (B2C) có 5 ứng dụng liên quan đến mở rộng kênh bán, bao gồm: Mpage (ứng dụng bán hàng trên Facebook, chiếm 26%,) kênh bán hàng Zalo (chiếm 29%), kênh bán hàng Sendo (chiếm 26%), nút mua hàng (ứng dụng bán hàng Affiliate chiếm 20%) và Sapo (ứng dụng quản lý bán hàng POS chiếm 20%).

Theo đại diện DKT, tỷ lệ cài đặt ứng dụng dao động quanh con số 30% nói trên chưa xứng với tiềm năng sẵn có. Tình trạng này xuất phát từ việc vì thị trường còn khá mới, các đơn vị phát triển app mới chỉ tung ra một số lượng nhỏ các ứng dụng để thăm dò phản ứng thị trường. Đồng thời các chủ website vẫn chưa mạnh dạn chi tiền cho những tính năng cần dùng thêm. Xét về tỷ lệ cài ứng dụng có phí, chỉ có 0,5 ứng dụng trên một website.

Ông Trần Trọng Tuyến, CEO của DKT cho hay, sự dịch chuyển sang mô hình website nền tảng mở là cơ hội cho các đơn vị phát triển ứng dụng công nghệ của Việt Nam. Thay vì chờ đợi tính năng từ 1 đơn vị thiết kế web, các chủ shop giờ đây đang có hàng trăm đơn vị phần mềm khác cung cấp tính năng mở rộng cho website của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục