"Xử lý khủng hoảng thông tin: Phải lấy mười tốt bù một xấu"

Vị doanh nhân dày dạn kinh nghiệm về truyền thông, Phó Chủ tịch Hội đồng thường trực LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm về trong mối quan hệ doanh nghiệp với truyền thông.
"Xử lý khủng hoảng thông tin: Phải lấy mười tốt bù một xấu" ảnh 1Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị LienVietPostBank. (Nguồn: LienVietPostBank)

Những chia sẻ về mối quan hệ doanh nghiệp với truyền thông của tiến sỹ Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu dự hội thảo “Đăng tải thông tin kinh tế trong kỷ nguyên kỹ thuật số” do Liên chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam phối hợp cùng Cục Báo chí (Bộ Thông tin Truyền thông) và Hãng tin Reuters tổ chức cuối tuần qua.

​Vị doanh nhân này cho biết trong suốt quá trình học tập, làm việc, phát triển, ông luôn gắn kết với truyền thông. Truyền thông cũng là nghề tay trái ý nghĩa của ông. Chính vì vậy, những dịp như thế này, ông mong muốn sẽ “vay” được thêm nhiều kiến thức mới.

"Trong suốt bước đường đời của tôi luôn gắn liền với báo chí vì sự làm việc miệt mài, có đầu óc tổng hợp mà nếu một xã hội dù có 4 nhà: Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà nông - Nhà doanh nghiệp, nhưng nếu không có nhà thứ 5 là nhà báo thì không thể có một xã hội trọn vẹn được," ông Hưởng khẳng định.

Ông Hưởng cho rằng, thông tin kinh tế thời kỳ kỹ thuật số chúng ta thường gọi là bùng nổ thông tin kỷ nguyên kỹ thuật số - Báo điện tử trở thành quyển từ điển khổng lồ, có nhiều "món ăn tổng hợp" và với tốc độ nhanh nhất.

Tuy nhiên, theo ông Hưởng, bên cạnh sự tiện lợi thì có những bất lợi, đó là vì quá đa chiều, kéo theo xảo thuật PR kinh doanh. Đặc biệt, “văn hóa” Việt Nam thường có đặc điểm "rỉ tai-tò mò-đám đông," nên thông tin thường bị biến tấu, bóp méo để hút khách và có khi từ thông tin kỹ thuật số tạo ra những cuộc khủng hoảng vì lợi ích cá nhân, gây mất lòng tin độc giả.

Chính vì vậy, theo ông Hưởng, điều cốt lõi đó chính là xuất phát từ cái tâm chân thật - xây dựng, đạo đức, đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp của nhà báo.

Mong muốn mỗi báo tạo ra được thương hiệu với tôn chỉ riêng, ông Hưởng cũng tâm đắc nội dung về tôn chỉ hoạt động mà Hãng tin Reuters chia sẻ tại hội thảo - thông tin kinh tế cung cấp cho bạn đọc phải là những thông tin cập nhật nhất toàn cầu, với tinh thần “Độc lập – Chính trực – Tự do.”

"Xử lý khủng hoảng thông tin: Phải lấy mười tốt bù một xấu" ảnh 2Giao dịch tại LienVietPostBank. (Nguồn: LienVietPostBank)

Từng được biết đến với những phát ngôn quyết liệt trong ngành ngân hàng, ông Hưởng cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tế của ông là: "Công khai là bí mật, đổi mới chân thật là PR" vì thật thì mới gây dựng được niềm tin.

Một triết lý khác đã được ông đúc rút trong suốt chặng đường làm doanh nghiệp của mình là "trong nguy có cơ". Ông Hưởng lý giải, đã làm kinh doanh phải thấy cả "nguy" cả "cơ,” cần phân tích thế khó mà tìm lối ra, sức bật cho mình. "Những dông bão không đơn thuần chỉ là hiểm nguy! Có đôi khi dông bão là cơ hội để cho ta ngẩng cao đầu đối mặt thách thức, là động lực giúp ta vượt lên, miễn là không bị nhấn chìm.”

Bên cạnh đó ông cũng đưa triết lý vào văn hóa doanh nghiệp ở LienVietPostBank là xác định phương châm hoạt động, tạo mục tiêu ngay trong tư tưởng, hành động của mỗi cán bộ, nhân viên. Theo đó, thực hiện các phương châm, tôn chỉ - Đối với xã hội: thượng tôn pháp luật, gắn xã hội với kinh doanh - Đối với thương trường: chỉ có đối tác, không có đối thủ. Trong xử lý khủng hoảng thông tin, phải lấy 10 tốt bù vào một xấu.

Còn triết lý "đúng nhưng phải trúng" được ông lý giải muốn có đột phá thì trước hết phải bắt đầu từ tư duy, giải pháp đưa ra không chỉ “đúng” mà còn phải “trúng.”

Với tư cách một doanh nhân có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông, ông Hưởng còn chia sẻ những kinh nghiệm bản thân từng thấm nhuần trong quá trình hoạt động công tác của mình, đó là: "Nghe những gì cần nghe, nhớ cái gì cần nhớ, đọc cái gì cần đọc; rèn luyện năng lực ghi chép mọi lúc mọi nơi; trong bất cứ trường hợp nào cũng luôn có phương án hai; từ thông tin kinh tế tạo ra, chúng ta cần cân nhắc, nhìn nhận để hành động một cách độc lập"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục